Hà Giang triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả mưa lũ

Hà Giang triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả mưa lũ
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang Thào Hồng Sơn thăm hỏi, chia sẻ với gia đình bị thiệt nặng hại do mưa lũ ở xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên. Ảnh: Hoàng Ngọc -TTXVN.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang Thào Hồng Sơn thăm hỏi, chia sẻ với gia đình bị thiệt nặng hại do mưa lũ ở xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên. Ảnh: Hoàng Ngọc -TTXVN.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, đợt mưa lũ kéo dài từ đêm 22 đến 27/6 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Toàn tỉnh có gần 1.600 ngôi nhà bị ngập úng; hàng trăm ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, sập hoàn toàn, nhà có nguy cơ phải di dời... Mưa to kéo dài và lũ lớn đã gây thiệt hại nặng về nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn. Hàng nghìn con trâu, bò, dê, lợn và gia cầm bị lũ cuốn trôi. Nhiều lồng cá của bà con dân tộc thiểu số nuôi trên sông Miện, sông Lô bị hư hỏng. Hàng trăm ha lúa vụ Đông Xuân chưa kịp gặt. Nhiều diện tích cây cối, hoa màu bị ngập úng và có nguy cơ mất trắng. 10 ngôi trường, điểm trường trên địa bàn các huyện Quản Bạ, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang bị đất đá sạt lở xuống sân trường, nhiều trường bị đổ tường rào, nước ngập úng khiến đồ dùng học tập, giảng dạy của các thầy cô giáo và các em học sinh bị hư hỏng. Mưa lũ đã khiến hàng trăm công trình phúc lợi bị thiệt hại, ảnh hưởng; nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt, nhiều địa phương bị cô lập hoàn toàn… tổng thiệt hại ước tính 122 tỷ đồng. Tại buổi làm việc, Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang và lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang của tỉnh là thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và giảm nghẹ thiên tai tỉnh đã phân tích nguyên nhân, hướng chỉ đạo, khắc phục hậu quả và bàn các giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.  Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và giảm nghẹ thiên tai tỉnh Hà Giang cần tập trung mạnh vào phương châm 4 tại chỗ. UBND các huyện, thành phố cần khẩn trương thống kê thiệt hại, tập trung khắc phục ngay hậu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống. Các địa phương đã sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ đối với các hộ gia đình có người bị chết 6 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 20 triệu đồng cho các hộ bị sập nhà hoàn toàn; 15 kg gạo/khẩu cùng chăn, màn và một số vật dụng thiết yếu… Cấp ủy, chính quyền các huyện, xã huy động các lực lượng tại chỗ và nhân dân kịp thời sơ tán người, tài sản của các hộ có nguy cơ sạt lở đất, ngập úng đến nơi tránh nạn an toàn. Các địa phương hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, công tác vệ sinh môi trường giúp người dân ổn định cuộc sống. Ngành Y tế Hà Giang cần thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng chống các loại dịch bệnh xảy ra sau khi ngập úng; triển khai các giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang cử các đoàn công tác xuống các địa phương bị thiệt hại nặng về nông nghiệp, chỉ đạo hướng dẫn các địa phương khắc phục chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đảm bảo lương thực cho người dân trong năm. Hiện nay tại nhiều địa phương trong tỉnh Hà Giang, hàng nghìn mét khối đất đá sạt lở xuống các tuyến đường quốc lộ khiến việc đi lại của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang yêu cầu ngành Giao thông Vận tải cùng với các huyện huy động máy móc, nhân lực khẩn trương xử lý các điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường từ huyện đi các xã để đảm bảo an toàn giao thông một cách nhanh nhất.
Minh Tâm

Có thể bạn quan tâm