Giao khoán bảo vệ rừng đã mang lại hiệu quả ở Lạng Sơn

 Giao khoán bảo vệ rừng đã mang lại hiệu quả ở Lạng Sơn
Rừng đặc dụng Hữu Liên (Lạng Sơn). Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Rừng đặc dụng Hữu Liên (Lạng Sơn). Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Định kỳ hàng tuần, Tổ bảo vệ rừng của thôn Tân Lai, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) kết hợp với cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên tổ chức tuần tra. Công tác tuần tra, kiểm tra được tổ chức thường xuyên đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng. Ông Triệu Văn Đông, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thôn Tân Lai cho biết: Tổ thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra rừng. Phát hiện có trường hợp vi phạm, xâm hại rừng, Tổ nhanh chóng thông báo với lượng lượng chức năng, đồng thời phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân không được vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ, không được săn bắt động vật hoang dã. Những năm trước đây, một số đối tượng vì lợi nhuận đã khai thác trái phép gỗ, săn bắt động vật hoang dã. Để quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học đối với khu rừng đặc dụng, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đã xây dựng Kế hoạch “đảm bảo 8.200 ha rừng đặc dụng không xảy ra tình trạng phát nương, làm rẫy, không xảy ra lấm chiếm đất rừng”. Ban Quản lý đã chủ động phối với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành tổ chức tuyên truyền vận động các thôn, ký cam kết quản lý bảo vệ rừng đặc dụng. 6 thôn đã tham gia ký cam kết bảo vệ rừng đặc dụng để nhận hỗ trợ trong năm 2018. Qua đó, các thôn đều cơ bản thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ.
Tổ bảo vệ rừng thôn bản cùng Ban quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên phối hợp tuần tra rừng. Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Tổ bảo vệ rừng thôn bản cùng Ban quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên phối hợp tuần tra rừng. Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Ông Hoàng Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Hữu Liên (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Là địa phương nằm trong vùng lõi của rừng đặc dụng, chính quyền xã đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng giao khoán, cùng tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng, phối hợp thực hiện các chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, cộng đồng thôn bản vùng đệm… Đến nay, Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đã bàn giao rừng nhận khoán trên bản đồ và ngoài thực địa với 107 gia đình và 13 cá nhân đại diện các thôn đứng ra nhận khoán theo từng lô rừng cụ thể. Mỗi lô rừng bàn giao đều được cắm biển tên của từng hộ gia đình, cộng đồng dân cư nhận khoán. Công tác giao khoán bảo vệ rừng và khoán khoanh nuôi rừng đạt 100% chỉ tiêu; trong đó khoán bảo vệ rừng là trên 7.100 ha và khoán khoanh nuôi là 60 ha. Hàng quý, các trạm bảo vệ rừng đều tổ chức họp giao ban các tổ nhận khoán để đánh giá, kiểm điểm kết quả thực hiện hợp đồng nhận khoán. Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên, tỉnh Lạng Sơn Phạm Văn Cấp đánh giá mô hình giao khoán bảo vệ và phát triển rừng cho từng hộ gia đình và cộng đồng thôn bản đã mang lại hiệu quả thiết thực trong bảo vệ rừng. Những thôn bản làm tốt việc bảo vệ rừng sẽ được nhận hỗ trợ với số tiền 40 triệu đồng/thôn, bản. Nguồn tiền trên được sử dụng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng của thôn như nhà văn hóa, làm đường bê tông… Đây cũng là động lực để các tổ bảo vệ rừng thôn bản tích cực trong công việc được giao khoán, qua đó tình trạng buôn bán vận chuyển và phá rừng đã giảm rất nhiều so với những năm trước. Rừng đặc dụng Hữu Liên có diện tích hơn 8.200 ha, nằm trên địa bàn của 3 huyện Hữu Lũng, Chi Lăng và Văn Quan. Đây là khu rừng đặc dụng duy nhất của tỉnh Lạng Sơn và là một trong 5 khu rừng đặc dụng có hệ thực vật vô cùng phong phú, quý hiếm nhất ở trên toàn quốc. Mô hình giao khoán bảo vệ, phát triển rừng cho từng hộ và cộng đồng thôn bản kết hợp với việc tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên tại rừng đặc dụng Hữu Liên phát huy hiệu quả đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều hành vi xâm hại rừng. Ranh giới khu rừng đặc dụng nơi đây được giữ vững, không còn tình trạng xâm hại, lấn chiếm đất rừng.
Quang Duy

Có thể bạn quan tâm