Gian nan đến trường mùa nước lũ

Gian nan đến trường mùa nước lũ
Sân trường Tiểu học Vĩnh Đại (Tân Hưng) ngập trong nước lũ, phụ huynh và giáo viên phải dùng bao cát đắp đường cho các em học sinh đi lại. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Sân trường Tiểu học Vĩnh Đại (Tân Hưng) ngập trong nước lũ, phụ huynh và giáo viên phải dùng bao cát đắp đường cho các em học sinh đi lại. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN

Chúng tôi theo dòng nước kênh Ngang vào ấp Vĩnh Bửu, xã Vĩnh Đại, Tân Hưng một ngày tháng 10 được chứng kiến nhiều ngôi nhà ở đây đã lên đèn vào lúc gần 5 giờ sáng. Bên trong những ngôi nhà bị nước lũ bao quanh, nhiều phụ nữ đã thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị áo quần, đồ ăn cho con em đi học. Đến khoảng 6 giờ sáng, các học sinh nhỏ lẽo đẽo theo cha mẹ lên chiếc xuồng máy đậu sẵn trước sân nhà để đến trường. Những chiếc xuồng nhỏ bé, chênh vênh đi giữa cánh đồng mênh mông sóng nước, không thể phân biệt đâu là ruộng đâu là bờ. Chốc chốc mất hút khỏi tầm mắt, rồi lại xuất hiện men theo những dòng kênh dẫn đến các ngôi trường trên địa bàn. Hành trình vất vả đó kéo dài nhiều cây số, tiềm ẩn không ít rủi ro cho cả học sinh lẫn phụ huynh.
 
Một ngày hai buổi, các em học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Đại (Tân Hưng) được cha mẹ đưa đón bằng xuồng trên quãng đường dài từ 6-8 km. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Một ngày hai buổi, các em học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Đại (Tân Hưng) được cha mẹ đưa đón bằng xuồng trên quãng đường dài từ 6-8 km. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN

Chị Nguyễn Thị Mỹ, ấp Vĩnh Bửu, xã Vĩnh Đại chia sẻ: "Sáng nào cũng khoảng hơn bốn giờ là tôi phải thức dậy lo cơm nước cho con cái ăn, đến sáu giờ thì đưa đi học, trưa rước về rồi chiều lại đưa đi đón về nữa. Ở đây người ta thay phiên nhau đưa rước, mỗi người khoảng một tuần. Dù khá vất vả, mất nhiều thời gian nhưng cũng phải chịu chứ nước thì cao, con cái còn nhỏ không thể tự đi học được".
Ông Lê Văn Thổ, ấp Vĩnh Bửu, xã Vĩnh Đại cho biết: "Ở đây nhà ai có con cái đi học đều phải thức dậy từ rất sớm để đưa rước. Từ nhà tui đến trường học của cháu hơn 6 km, sáng sớm phải xuống xuồng để đưa đi rồi. Những ngày bình thường thì không sao, chứ hôm nào mưa gió thì vất vả lắm. Đồng rộng, gió lớn mà đi xuồng thì rất nguy hiểm".

Xã Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng) là một trong những địa phương thấp trũng nhất ở vùng Đồng Tháp Mười. Những ngày qua, nước lũ liên tục tăng lên không chỉ làm ngập các tuyến đường mà phần sân của Trường tiểu học Vĩnh Đại cũng bị ngập sâu, ảnh hưởng đến việc vui chơi, thể dục của học sinh. Dù thầy cô giáo cùng phụ huynh đã đắp các bao cát dọc sân trường để làm lối đi cho học sinh, nhưng do các em còn quá nhỏ nên vẫn thường xuyên bị té ngã, ướt sũng áo quần và sách vở.

Theo thầy Bùi Đức Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Đại, toàn trường có hơn 300 em học sinh, thì có 100 em phải đi xuồng từ nhà đến trường học mỗi ngày. Để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường, trường đã phối hợp với xã chú trọng tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh, học sinh dùng xuồng đi học hàng ngày cần đảm bảo an toàn, khi đi phải mang theo áo phao mà địa phương đã cấp phát trước đó.Trường hợp nước lên quá lớn, trường cũng có phương án xin ý kiến cấp trên để cho các em nghỉ học, sau đó bố trí học bù vào thời điểm khác để đảm bảo chương trình năm học.
 
Một ngày hai buổi, các em học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Đại (Tân Hưng) được cha mẹ đưa đón bằng xuồng trên quãng đường dài từ 6-8 km. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Một ngày hai buổi, các em học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Đại (Tân Hưng) được cha mẹ đưa đón bằng xuồng trên quãng đường dài từ 6-8 km. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Từ sáng sớm, những chiếc xuồng nhỏ chở các em học sinh vượt qua cánh đồng mênh mông nước lũ ở ấp Vĩnh Bửu (Vĩnh Đại, Tân Hưng) để đến trường. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Từ sáng sớm, những chiếc xuồng nhỏ chở các em học sinh vượt qua cánh đồng mênh mông nước lũ ở ấp Vĩnh Bửu (Vĩnh Đại, Tân Hưng) để đến trường. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN

Không chỉ ở Vĩnh Đại, nhiều địa phương khác trong tỉnh Long An như xã Kiến Bình (Thạnh Hóa), Vĩnh Thuận, Vĩnh Trị (huyện Vĩnh Hưng)… cũng có tình trạng tương tự. Nhiều tuyến đường bị ngập sâu không thể đi lại được, học sinh phải dùng xuồng để làm phương tiện đến trường.

Điều đáng lo là dù đã quen với cuộc sống vùng sông nước, nhưng giữa cánh đồng mênh mông nước lũ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, nhất là trong những ngày mưa gió. Trong khi đó, phần lớn các em học sinh đi xuồng đều không mang theo áo phao, nhiều vị phụ huynh cũng rất chủ quan dù đã được tuyên truyền nhiều lần và đã được cấp phát ao phao miễn phí.
Bên cạnh những vùng bị chia cắt bởi nước lũ, ở vùng Đồng Tháp Mười vẫn còn nhiều nơi chưa có cầu bắc qua các kênh rạch. Việc đi lại của người dân và học sinh vùng lũ còn phụ thuộc nhiều vào những chuyến đò ngang. Dù cho nước cuộn chảy, vẫn còn tình trạng người đi đò chủ quan không mặc áo phao cứu sinh, thậm chí nhiều chuyến đò còn chở vượt quá số lượng người cho phép. Những rủi ro của dòng nước dường như không được chú ý, những chuyến đò ngang vẫn đưa, đón hàng ngàn lượt học sinh, người dân qua lại mỗi ngày.
 
Sân trường Tiểu học Vĩnh Đại (Tân Hưng) ngập trong nước lũ, phụ huynh và giáo viên phải dùng bao cát đắp đường cho các em học sinh đi lại. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Sân trường Tiểu học Vĩnh Đại (Tân Hưng) ngập trong nước lũ, phụ huynh và giáo viên phải dùng bao cát đắp đường cho các em học sinh đi lại. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Sân trường Tiểu học Vĩnh Đại (Tân Hưng) ngập trong nước lũ, phụ huynh và giáo viên phải dùng bao cát đắp đường cho các em học sinh đi lại. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN
Sân trường Tiểu học Vĩnh Đại (Tân Hưng) ngập trong nước lũ, phụ huynh và giáo viên phải dùng bao cát đắp đường cho các em học sinh đi lại. Ảnh: Bùi Giang - TTXVN

Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trong mùa mưa lũ, đảm bảo các em học sinh đến trường an toàn, các cấp, ngành của tỉnh Long An đã triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch ứng phó với lũ. Ông Huỳnh Thanh Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng cho biết, huyện tuyên truyền, phổ biến các quy định về trật tự an toàn giao thông; chỉ đạo các địa phương, trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức quy định về an toàn giao thông cho học sinh; đồng thời, thực hiện ký cam kết chấp hành quy định an toàn giao thông giữa nhà trường, gia đình học sinh; các ngành, đoàn thể xây dựng phương án đưa, đón học sinh và giáo viên đến trường bằng phương tiện an toàn.

Bên cạnh đó, huyện còn triển khai công tác phòng, chống lụt bão, chuẩn bị lực lượng, phương tiện thiết yếu sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các bến đò ngang vi phạm, nhất là đối với các bến đò hoạt động không phép, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không bảo đảm an toàn kỹ thuật… nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân. 

Ông Huỳnh Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Long An cho biết: Năm nay nước lũ về lớn hơn ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh, đặc biệt là các huyện vùng Đồng Tháp Mười như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa… Để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường, ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và đào tạo đã yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai kịp thời các biện pháp chống đuối nước cho trẻ em, học sinh. Nếu mực nước lũ dâng cao, phải chủ động phối hợp với địa phương và nhân dân bố trí các phương tiện xuồng, ghe, áo phao đưa đón học sinh và cả thầy, cô giáo, đảm bảo an toàn trong mùa lũ. Sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục vùng ngập lũ triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên giảng dạy, học tập, không tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động vui chơi, ngoại khóa và các hoạt động không cần thiết trong mùa lũ. Cùng với đó là theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, trong trường hợp không đảm bảo an toàn cho việc giảng dạy, học tập, nhà trường kịp thời báo cáo về Sở và địa phương có kế hoạch cho học sinh nghỉ lũ và chỉ đạo thực hiện tốt việc dạy bù đảm bảo chương trình, kế hoạch đề ra.
Bùi Giang
TTXVN

Có thể bạn quan tâm