Gia Lai nhân rộng mô hình Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”

Gia Lai nhân rộng mô hình Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”
Gia Lai nhân rộng mô hình Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” ảnh 1
Em Rơ Mah H'Đê (áo hồng ngồi giữa) từ bỏ ý định bắt chồng sau khi nghe chị em Câu lạc bộ tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.
Gia Lai là địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số. Điều kiện dân trí thấp, nhiều hủ tục vẫn còn được áp dụng trong đời sống sinh hoạt như lấy chồng sớm để có thêm nhân lực làm nương rẫy; kết hôn người trong dòng họ để bảo vệ tài sản gia đình… nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Theo báo cáo từ Sở Tư pháp tỉnh, trong 5 năm qua, tỉnh Gia Lai có gần 5.000 cặp tảo hôn và gần 400 cặp kết hôn cận huyết thống. Độ tuổi tảo hôn tập trung từ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi và nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn so với nam giới. Bà Rơ Chăm H’Hồng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai, cho biết: Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” được thành lập với mục đích tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Qua đó, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Bắt đầu từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tổ chức thành lập 55 mô hình Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” với hơn 1.500 thành viên của 15/17 huyện, thị xã, thành phố tham gia. Tại một số địa phương có tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến, các cấp Hội phụ nữ càng chú trọng công tác tuyên truyền và thành lập các Câu lạc bộ này trước tiên. Điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Sê đã thành lập được 15 Câu lạc bộ với 500 thành viên và đã giúp 30 cặp không tảo hôn; huyện Krông Pa thành lập được 4 Câu lạc bộ với hơn 120 thành viên, đã giúp 13 cặp không tảo hôn; huyện Chư Păh thành lập được 1 Câu lạc bộ với 30 thành viên, đã giúp 21 cặp không tảo hôn… Em Rơ Mah H’Đê (sinh năm 2000) trú làng Gram, xã Ia H’Lốp, huyện Chư Sê, tâm sự: Nghỉ học từ bé, năm 16 tuổi, em có ý định “bắt chồng” để về làm kinh tế vì gia đình chỉ có bố mẹ già, không ai làm nương rẫy, cuộc sống vất vả, khó khăn. Hai bên gia đình đã chuẩn bị là đám cưới thì các chị cán bộ phụ nữ trong Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” của xã đến vận động, nói cho H’Đê biết tác hại của việc tảo hôn. Khi nhận thức được việc có con sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và con cái, khi chưa đủ nhận thức xã hội đã lập gia đình sẽ càng gây gánh nặng cho gia đình và xã hội chứ không phải chỉ để giải quyết việc có nhân lực làm rẫy. H’Đê đã quyết định không “bắt chồng” nữa và tập trung phát triển kinh tế gia đình. Điều đặc biệt là sau khi được tuyên truyền vận động, H’Đê đã tham gia Câu lạc bộ, hiện là một trong những thành viên tích cực nhất đi tuyên truyền vận động bạn bè, thanh thiếu niên trong làng không kết hôn sớm. Em Leh (sinh năm 2001), hiện là học sinh Trường Trung học cơ sở Trần Cao Vân, huyện Chư Sê, cho biết: Đang học lớp 10, em có ý định nghỉ học ở nhà lấy chồng. Sau khi được các cô trong Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tuyên truyền, vận động, cả Leh và bạn trai của mình đã hiểu được những khó khăn, tác hại của việc tảo hôn. Leh tiếp tục đi học lại và xác định thi vào trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai để có nghề nghiệp trước khi kết hôn. Chị Rơ Mah Kráo, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng Gram, kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, cho biết: Các thành viên trong Câu lạc bộ thường xuyên đến các gia đình tuyên truyền, vận động người dân hiểu về các hệ lụy của tảo hôn làm thay đổi ý định lấy chồng, lấy vợ của nhiều thanh, thiếu niên trên địa bàn. Các chị em thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, lồng ghép vào những buổi họp thôn, làng để truyền thông điệp “Không kết hôn sớm, không lấy nhau trong cùng dòng họ” đến cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên. Trước đây, trong làng có khá nhiều cặp tảo hôn, nhưng từ khi Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” ra đời, trong làng đã không còn tình trạng kết hôn sớm hay hôn nhân cận huyết thống. Mô hình Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” hoạt động được 2 năm đã giúp giảm đáng kể các cặp tảo hôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai; góp phần ổn định kinh tế, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, đảm bảo sức khỏe cho trẻ em nữ lứa tuổi vị thành niên, đặc biệt trong vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Mô hình đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai nhân rộng trên toàn bộ các chi hội trong toàn tỉnh./.
Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm