Gia Lai hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững

Gia Lai hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Bí thư huyện ủy Đăk Đoa cho biết, địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chương trình Mục tiêu Quốc Gia và tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn. Bên cạnh đó, huyện còn thường xuyên cử cán bộ khuyến nông đến hỗ trợ kỹ thuật cho người dân nhằm tăng năng suất, chất lượng các cây trồng,đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và  giảm tối đa các diện tích canh tác kém hiệu quả. Tỉnh Gia Lai cũng đã mời gọi được 22 dự án đầu tư với tổng vốn gần 21.000 tỷ đồng. Trong các dự án này có 4 dự án phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chất lượng, bền vững với vốn đầu tư trên 2.600 tỷ đồng.
Huyện Phú Thiện chú trọng xây dựng các mô hình cánh đồng lớn . Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Huyện Phú Thiện chú trọng xây dựng các mô hình cánh đồng lớn .
Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã hình thành cơ bản nhiều vùng sản xuất chuyên canh cây nông sản hàng hóa và nguyên liệu khá quy mô với trên 40 nghìn ha mía nguyên liệu, gần 65 nghìn ha sắn, 75 nghìn ha lúa gắn với các vùng chuyên canh tập trung cây công nghiệp dài ngày thế mạnh như: cao su, cà phê, điều, tiêu…Tỉnh Gia Lai đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Trong đó đặc biệt khuyến khích đưa vào sản xuất các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các cánh đồng lớn sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo vùng nông thôn. Đến nay, tỉnh Gia Lai đã xây dựng được 155 điểm mô hình cánh đồng lớn trên tổng diện tích gần 2.700 ha với 1.100 hộ tham gia. Ngoài ra, toàn tỉnh còn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho trên 9.000 ha cây trồng nhằm ứng phó hiệu quả với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Tham gia sản xuất theo mô hình liên kết, xây dựng cánh đồng lớn, người nông dân được chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm ổn định được đầu ra, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường do kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 2 doanh nghiệp sản xuất mía đường là Nhà máy đường An Khê và Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thành Thành Công Gia Lai. Hai đơn vị này đã liên kết với 640 hộ dân sản xuất và tiêu thụ mía theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích trên 2.000 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện phía Đông, Đông Nam của tỉnh. Qua thực tế sản xuất, năng suất mía đã tăng vượt bậc, từ 60 tấn/ha tăng lên gần 100tấn/ha, thậm chí có nơi đạt tới 130 tấn/ha, tăng gấp đôi so với sản xuất đại trà. Ngoài ra, mỗi ha mía mô hình cánh đồng lớn sau sản xuất còn tiết kiệm được khoảng 30% chi phí so với trồng đơn thuần. Thời điểm thực hiện cam kết đối với ngành mía đường của Việt Nam trong lộ trình gia nhập khu vực mậu dịch tự do (AFTA) đang cận kề. Do đó, việc các doanh nghiệp mía đường trong tỉnh liên kết với nông dân sản xuất bền vững là hướng đi đúng đắn để tạo sức cạnh tranh hiệu quả trên thị trường trong và ngoài nước.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai góp đất xây dựng cánh đồng mía lớn. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai góp đất xây dựng cánh đồng mía lớn.
Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
Ông Nguyễn Văn Hảo, Phó giám đốc Nhà máy đường An Khê chia sẻ: Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi - Nhà máy đường An Khê đã có hướng đầu tư chiến lược để hội nhập AFTA và cụ thể là cạnh tranh trực tiếp với ngành đường của nước láng giềng Thái Lan. Song song với việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, tạo giá trị gia tăng cho chuỗi sản xuất, tiêu thụ và chế biến, những năm qua, Nhà máy đường An Khê đã liên kết với nông dân để nhân rộng mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn 4 huyện, thị xã phía Đông Gia Lai và định hướng đến năm 2020 sẽ phấn đấu đạt 10.000 ha. Là vùng chuyên canh cây lúa nước lớn nhất Tây Nguyên có diện tích hơn 6.000 ha gắn phát triển bền vững với công trình đại thủy nông Ayun Hạ, Phú Thiện có điều kiện thuận lợi nhất để xây dựng thương hiệu lúa gạo cho riêng mình. Sau 2 năm triển khai, toàn huyện đã hình thành được 17 cánh đồng lớn với diện tích gần 700 ha chuyên sản xuất các loại lúa nước một giống TH6, LH12, OM4900, TBR225… Từ những mô hình lúa nước một giống này, người nông dân đã tạo thêm thu nhập tăng hơn 6 triệu đồng/ha so với trồng thủ công, hạt lúa được các ngành chức năng đánh giá chất lượng hơn, đồng đều hơn và rất được thị trường ưa chuộng. Đứng trước nguy cơ phát triển thiếu bền vững, cây hồ tiêu cũng đang được tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm và định hướng phát triển theo xu thế liên kết sản xuất kết hợp với ứng dụng công nghệ hữu cơ sinh học gắn đồng bộ với các giải pháp canh tác tiên tiến như: tưới nước tiết kiệm, trồng cây trụ sống, cây che bóng mát, trồng xen canh với các loại cây trồng khác…
Nông dân chăm sóc vườn tiêu bàn xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dư Toán - TTXVN
 Nông dân chăm sóc vườn tiêu bàn xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.  Ảnh: Dư Toán - TTXVN
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê cho rằng: Mỗi năm, toàn thế giới tiêu thụ khoảng 400.000 tấn, trong đó Việt nam cung cấp trên 170.000 tấn và là quốc gia đứng đầu về xuất khẩu hồ tiêu. Do đó để hồ tiêu Việt Nam có thể cạnh tranh cũng như tạo dựng được thương hiệu hồ tiêu uy tín, giải pháp cốt lõi là cần phải liên kết sản xuất theo chuỗi kết hợp với việc ứng dụng công nghệ hữu cơ sinh học để giải quyết dứt điểm tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thời gian qua, Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề nhằm khuyến khích người nông dân liên kết sản xuất với các doanh nghiệp. Qua đó, họ được hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng các loại vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng cũng như ổn định đầu ra cho sản phẩm, ông Bính cho biết thêm. Là một trong những loại cây trồng chủ lực thuộc nhóm nông sản chính của cả nước, thương hiệu của vùng đất Tây Nguyên, cà phê cũng được tỉnh Gia Lai định hướng đến năm 2020 sẽ xây dựng gần 4.000 ha cánh đồng lớn. Đăk Đoa đang là địa phương đi đầu trong việc vận động hơn 100 hộ dân tại xã Nam Yang liên kết hình thành nên cánh đồng mẫu lớn hơn 120 ha.
Nguyễn Hoài Nam

Có thể bạn quan tâm