Gần 7.500 hộ nông dân tham gia bảo hiểm thủy sản

Gần 7.500 hộ nông dân tham gia bảo hiểm thủy sản
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, lãnh đạo UBND 5 tỉnh ven biển Tây Nam bộ gồm Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, đại diện Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh, Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, qua 3 năm triển khai thí điểm, bảo hiểm nông nghiệp đối với thủy sản đã đạt được những kết quả nhất định: cơ chế chính sách về thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp đã hoàn chỉnh; hình thành được các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phù hợp với đặc tính của từng loại cây trồng, vật nuôi thủy sản; thu hút được các hộ dân tham gia; trong đó có gần 7.500 hộ nông dân tham gia bảo hiểm thủy sản (gồm 27,4% hộ nghèo, 4% hộ cận nghèo và 68,6% hộ thường).

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường bảo hiểm kịp thời các tổn thất do thiên tai, dịch bệnh với tổng số tiền xấp xỉ 676 tỷ đồng; tỷ lệ bồi thường/phí bảo hiểm đạt trên 309%, qua đó góp phần giúp các hộ dân ổn định đời sống và có điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh. Quá trình triển khai thí điểm bảo hiểm đã có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự ủng hộ của các địa phương và sự nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện thí điểm cũng cho thấy những khó khăn, hạn chế như: phạm vi thí điểm bảo hiểm mỗi tỉnh có 3 huyện, mỗi huyện thí điểm ở 3 xã tham gia là chưa đảm bảo nguyên tắc số đông bù số ít; quy trình nuôi thủy sản chưa phù hợp với tình hình thực tiễn; doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn trong kiểm soát quy trình nuôi trồng vì lý do một số quy trình phức tạp và sự thiếu chuyên môn ở một số doanh nghiệp bảo hiểm mới. Việc công bố, xác nhận dịch bệnh làm căn cứ để bồi thường cũng gặp khó khăn bởi một số dịch bệnh mới chỉ căn cứ được vào triệu chứng lâm sàng để công bố. Việc phối hợp giữa các sở, ngành và doanh nghiệp bảo hiểm tại các địa phương còn vướng mắc và công tác chỉ đạo có nơi còn thiếu quyết liệt.

Hội nghị cũng đã nhất trí với đề xuất của Bộ Tài Chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chấm dứt chương trình thí điểm theo Quyết định 315/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, hội nghị đã thống nhất chủ trương không giới hạn phạm vi, địa bàn, đối tượng tham gia bảo hiểm khi tiếp tục triển khai bảo hiểm trong nông nghiệp. Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần phí bảo hiểm trên nguyên tắc tự nguyện, tuy nhiên sẽ không hỗ trợ 100%, mà người dân phải tự chi trả tỷ lệ nhất định phí bảo hiểm để có trách nhiệm hơn trong việc quản lý và kiểm soát rủi ro. Có hỗ trợ phí cho một số đối tượng như hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó, những hộ dân nuôi tôm sú, vốn là thế mạnh của vùng, thì sẽ được hỗ trợ phí bảo hiểm để phát triển.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, các bộ, ngành và địa phương sẽ ngồi lại để thành lập tổ xây dựng thẩm định, giám sát quá trình thực hiện và xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị.../.

Có thể bạn quan tâm