Dự án "Cô đỡ thôn bản" giúp đổi thay nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn

Dự án "Cô đỡ thôn bản" giúp đổi thay nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn
Trước khi có dự án cô đỡ thôn bản người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng sâu, vùng núi cao của tỉnh Lạng Sơn thường tự đỡ đẻ cho nhau bằng kinh nghiệm dân gian truyền lại. Những người phụ nữ lớn tuổi được cho là có nhiều kinh nghiệm sẽ phụ trách việc đỡ đẻ cho người dân cùng thôn. Bà Hoàng Thị Vạnh, Thôn Song Sài, xã Đông Quan, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn là một trong những bà đỡ dân gian còn hành nghề đến trước khi có dự án cô đỡ thôn bản. Bà Vạnh nhớ lại: Ngày xưa cắt rốn cho trẻ con thì buộc hai đầu vào, lấy cật tre vào luộc nước sôi rồi cắt. Người dân trong thôn tự đỡ đẻ cho nhau, nhiều ca đẻ khó không có hiểu biết hay thuốc men nên chết cả mẹ và con.

Những câu chuyện về dùng cật tre để cắt dây rốn trước đây có lẽ đối với người dân, đặc biệt là phụ nữ trong thôn Song Sài chỉ còn trong ký ức. Nhận thức của chính những bà đỡ dân gian như bà Vạnh cũng đã dần thay đổi. Thôn Song Sài, giờ không còn tình trạng đẻ tại nhà. Phụ nữ có thai đã chủ động đến trạm xá khám thai và sinh đẻ.

Sự chuyển biến trong nhận thức của phụ nữ trong thôn Song Sài cũng như của nhân dân trên địa bàn xã Đông Quan, huyện Lộc Bình cũng là nhờ những cô đỡ thôn bản như chị Lộc Thị Hằng ở thôn Song Sài, xã Đông Quan. Chị Hằng cho biết: Song Sài là thôn vùng 3 đường đi lại rất khó khăn. Nên khi các chị em đến gần ngày sinh, chị thường phải đến tận nhà để làm công tác tuyên truyền vận động chị em đến bệnh viện chờ đẻ. Trong thời gian quản lý thai nghén, nếu phát hiện chị em nào có thai thì chị vận động họ đi khám thai 3 tháng/1 lần.

Theo báo cáo của Trung tâm y tế huyện Lộc Bình, hiện nay trên địa bàn huyện tỷ lệ phụ nữ khám thai 3 lần/3 kỳ đạt trên 78%; tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ y tế đỡ đạt đạt 99,6%; số phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt gần 99%.

Bác sĩ Trần Hồng Duyên, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Từ năm 2010 dự án lớp “cô đỡ thôn bản”được triển khai, thì các cán bộ y tế đã nâng cao kiến thức, nhất là tình trạng đỡ đẻ tại nhà, đẻ rơi rất ít. Hiện nay, hiện nay các cô đỡ thôn bản trở thành “chân rết” cho các cán bộ y tế xã tư vấn cho phụ nữ mang thai, quá trình chăm sóc trong và sau đẻ tại nhà, được trang bị rất tốt. Vì vậy hiện nay trên địa bàn huyện không có tình trạng uốn ván rốn, nhiễm trùng rốn, tai biến sản khoa.

Hiện xã Đông Quan chỉ còn hai cô đỡ thôn bản tại hai thôn đặc biệt khó khăn là thôn Song Sài và thôn Nà Lâu. Không quản ngại khó khăn, các chị thường xuyên đến tư vấn, tuyên truyền những kiến thức cần thiết để chuẩn bị làm mẹ đồng thời khám thai định kỳ cho phụ nữ mang thai. Với sự kiên trì vận động của các chị, 100% phụ nữ mang thai hai thôn Song Sài và Nà Lầu đều đến trạm y tế xã khám thai định kỳ và đẻ tại trạm, những ca đẻ khó đều được chuyển tuyến kịp thời. Đặc biệt những trường hợp sản phụ không thể đến được trạm y tế, các chị đã có thể đỡ đẻ tại nhà theo cách an toàn và sạch… Nhờ đó, đã góp phần hiệu quả vào chương trình làm mẹ an toàn nhằm giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh trên địa bàn xã.

Năm 2015, dự án kết thúc, các cô đỡ thôn bản không còn được hưởng phụ cấp 50.000 đồng/tháng. Mặc dù vậy, những cô đỡ thôn bản vẫn phát huy vai trò tích cực, là cầu nối giữa y tế địa phương và nhân dân. Thiết nghĩ các cấp, các ngành cần tiếp tục có sự đầu tư hỗ trợ để các cô đỡ thôn bản phát huy hơn nữa vai trò của mình, từ đó đóng góp tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, kế hoạch hóa gia đình.
Hoàng Nam

Có thể bạn quan tâm