Đột phá sau 10 năm thực hiện nghị quyết về “tam nông” ở Quảng Trị

Đột phá sau 10 năm thực hiện nghị quyết về “tam nông” ở Quảng Trị
Quảng Trị trồng lúa trên đất cát đạt năng suất 40 tạ/ha. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN
Quảng Trị trồng lúa trên đất cát đạt năng suất 40 tạ/ha.
Ảnh: 
Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN
Sản xuất chuyển dịch Hơn 10 năm về trước, ông Lê Bá Hàn, 57 tuổi tại thôn Bích La Thượng, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong làm 2 ha đất trồng lúa chủ yếu dùng sức trâu để cày, bừa ruộng mỗi ngày chỉ giúp ông Hàn làm được vài sào đất. Còn việc thu hoạch lúa, được thực hiện chủ yếu theo hình thức “đổi công”, tức là nhiều hộ tập trung lại gặt lúa cho nhà này xong, rồi lại gặt cho nhà kia. Sau 10 năm, ông Lê Bá Hàn làm 2 ha đất lúa chỉ trong một buổi; còn việc thu hoạch 2 ha lúa chỉ tính bằng giờ. Ông Hàn cho biết, bây giờ đã có máy cày làm đất rất nhanh, giúp giảm rất nhiều ngày công. Máy gặt đập liên hợp mỗi ngày thu hoạch cả chục ha lúa; đồng thời sơ chế và vận chuyển lúa về tận nhà. Việc ứng dụng máy móc vào sản xuất đã giúp người nông dân giảm được rất nhiều ngày công, năng suất và thu nhập tăng rõ rệt. Đối với sản xuất lúa ở Quảng Trị, hiện nay cơ giới hóa ở khâu làm đất đã lên đến 87%, thu hoạch 67%, vận chuyển 61%... Nhờ đó, người nông dân mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất. Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 50.700 ha lúa/năm, thì đã có hơn 33.000 ha sản xuất lúa chất lượng cao, chiếm đến gần 66% tổng diện tích lúa của tỉnh. Lúa được sản xuất trên “cánh đồng lớn” có gần 6.100 ha, mỗi cánh đồng có từ 20 - 50 ha lúa, tập trung ở các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh. Các mô hình sản xuất mới, đã giúp người trồng lúa ở Quảng Trị tăng thu nhập gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống. Tương tự, những hộ nông dân trồng rừng ở Quảng Trị cũng đã và đang thay đổi phương thức sản xuất, theo hướng nâng cao chất lượng rừng để tăng giá trị. Trước đây, ông Trần Văn Huấn, 60 tuổi, ở huyện Vĩnh Linh, trồng rừng keo, tràm, chu kỳ khai thác từ 4 – 5 năm/lần, cho thu nhập khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha. Khi Nhà nước có chính sách khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, ông Huấn đã mạnh dạn trồng rừng theo mô hình này và có hiệu quả rõ rệt. Ông Huấn cho biết, trồng rừng gỗ lớn cho thu nhập bình quân 150 – 200 triệu đồng/ha chu kỳ khai thác 10 năm, cao hơn từ 2 – 3 lần so với trồng rừng gỗ thông thường. Bên cạnh đó, rừng gỗ lớn còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất, qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 111.500 ha rừng trồng, chủ yếu là keo và tràm; trong đó, tỉnh đã phát triển được trên 22.000 ha rừng gỗ lớn, dẫn đầu cả nước. Nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào và có chất lượng cao từ rừng gỗ lớn đã giúp ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Quảng Trị, trở thành ngành chủ lực và đứng thứ hai của cả nước. Các sản phẩm chủ lực từ gỗ của Quảng Trị như gỗ ghép thanh, viên nén năng lượng... đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và được xuất khẩu đi các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đối với ngư dân, cách nay 10 năm chỉ sở hữu duy nhất đội tàu cá vỏ gỗ nhưng từ năm 2014 đến nay, Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đã giúp ngư dân có thêm tàu cá vỏ thép và composite để khai thác xa bờ hiệu quả và an toàn hơn. Đến đầu tháng 12/2018, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt cho 32 ngư dân được vay vốn để đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP; trong đó, ngư dân đã đóng mới và đưa vào sử dụng 25 tàu cá công suất lớn gồm: 17 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composite. UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã phê duyệt cho 118 chủ tàu được vay vốn để nâng cấp tàu cá công suất lớn theo Nghị định 67/NĐ-CP; trong đó đã có 93 tàu đi vào hoạt động. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đánh giá, hầu hết chủ tàu đã triển khai đóng mới, nâng cấp tàu kịp thời và đưa vào khai thác hải sản có hiệu quả. Đến nay, tỉnh đã có trên 2.300 tàu cá; trong đó có 229 tàu công suất lớn trên 90CV khai thác xa bờ, sản lượng khai thác thủy sản bình quân đạt trên 24.000 tấn/năm. Qua 10 năm thực Nghị quyết về “tam nông”, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của Quảng Trị bình quân đạt 3,3%/năm, bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện. Đến hết năm 2018, tỉnh Quảng Trị dự kiến có 52 trong tổng số 117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 9,7%, trên 92% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh…Liên kết để phát triển Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, tỉnh xác định đầu tư vào nông nghiệp trước hết phải tính đến thị trường đầu ra cho sản phẩm. Do đó, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, làm tốt việc liên kết “4 nhà” gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông và nhà đầu tư. Sản phẩm đầu ra phù hợp với thị trường hiện nay là sản phẩm sạch, nông sản hữu cơ, thân thiện môi trường được kiểm nghiệm chất lượng an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị phối hợp với Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đại Nam, xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ an toàn, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh obi - ong biển, không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình này đã sản xuất được gần 300 ha lúa hữu cơ, năng suất bình quân đạt trên 50 - 55 tạ/ha, lúa bán được 8.000 đồng/kg, cho thu lãi cao hơn so với trồng lúa truyền thống khoảng 18 triệu đồng/ha. Từ mô hình này, địa phương đã xây dựng thành công thương hiệu “Gạo hữu cơ Quảng Trị”. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng được nhiều thương hiệu cho các loại nông sản khác như: “cà phê Khe Sanh”, “rau xà lách xoong Gio An”, “dưa hấu Vĩnh Tú”… Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có gần 190 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý là “hồ tiêu Quảng Trị”, 16 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận, còn lại là các nhãn hiệu hàng hóa khác. Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Điển hình là Dự án: “Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM-Quảng Trị”, tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ với tổng vốn đầu tư 371 tỷ đồng. Dự án này thực hiện trên quy mô 200 ha, sản xuất trái cây như thanh long, chanh leo, dưa lưới. Đặc biệt, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản hỗ trợ sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao ở huyện Gio Linh… Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, ngành nông nghiệp của tỉnh đang chuyển dịch từ sản xuất quy mô lớn, sang sản xuất theo nhu cầu thị trường, sản phẩm chất lượng cao, có nhãn hiệu, liên kết và giá trị sản phẩm được chú trọng nhất. Để thực hiện được điều này, tỉnh thực hiện “bốn trụ cột” trong tái cơ cấu nông nghiệp gồm tăng cường truyền thông để người nông dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; liên doanh và liên kết trong sản xuất giữa; tổ chức sản xuất hiệu quả. Đáng lưu ý, giai đoạn từ năm 2018 - 2021, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao sẽ được tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 50% chi phí thực hiện thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, tỉnh còn miễn 100% phí thuê đất hoặc thuế nông nghiệp trong 5 năm đầu tiên đối với doanh nghiệp có hợp đồng liên kết sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp 100% kinh phí phục vụ đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính… Đặc biệt, tỉnh cũng dành trên 23 tỷ đồng để hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham sản xuất “cánh đồng lớn” theo chuỗi giá trị, nhất là đối với 6 cây trồng chủ lực gồm: cà phê, hồ tiêu, cao su, lúa chất lượng cao, cây ăn quả và cây dược liệu, cây gỗ rừng trồng. Với sự hỗ trợ này, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được 7.000 ha cây trồng chủ lực sản xuất trên “cánh đồng lớn”.
Nguyên Lý

Có thể bạn quan tâm