Đồng Tháp chủ động ứng phó với lũ

Đồng Tháp chủ động ứng phó với lũ
Nhiều hộ nông dân đã khẩn trương ra đồng thu hoạch sớm trà lúa hè - thu 2018 trước khi lũ về ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Nhiều hộ nông dân đã khẩn trương ra đồng thu hoạch sớm trà lúa hè - thu 2018 trước khi lũ về ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Ông Phạm Phước Nhơn, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình B cho biết, tổng diện tích gần 1.600 ha, đến ngày 31/7, An Bình B còn 700 ha chưa thu hoạch, chủ yếu là lúa Nhật, Nếp.... Hiện tại, chênh lệch mực nước trong và ngoài mặt đê tại các ô bao sản xuất hai vụ từ 0,4 - 1 mét. Ông Nhơn cho biết, trong 10 ngày qua, mực nước lên khá nhanh, đặc biệt ngày 30/7 mực nước dâng lên 15 cm gây khó khăn cho người dân trong công tác thu hoạch lúa Hè Thu, đặc biệt là các khu sản xuất chưa có đê bao khép kín. Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Hồng Ngự - Nguyễn Huấn cho biết, hiện tại, địa phương có khoảng 2.500 ha lúa 2 vụ; trong đó, gần 1.000 ha chưa thu hoạch; khoảng 2.200 ha sản xuất lúa vụ đang ở giai đoạn 40 - 45 ngày, nằm toàn bộ trong đê bao khép kín. Theo ông Huấn, trong khi lúa Hè Thu còn 10 ngày thu hoạch dứt điểm, nhưng trên thực tế, một số đoạn đê bao chống lũ của các ô bao trồng lúa 2 vụ hàng năm bị lũ bào mòn nên hơi bị yếu rất khó bảo vệ vụ mùa, nếu không gia cố. Ông Huấn cũng cho rằng, là một trong những địa phương đầu nguồn của tỉnh nên công tác ứng phó bão lũ luôn được quan tâm. Từ đầu năm 2018, Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thị xã Hồng Ngự đã có kế hoạch thành lập các đội nhóm ứng trực, thành lập các đoàn thường xuyên kiểm tra và tiến hành gia cố các đoạn đê xung yếu. Mục tiêu là đảm bảo tài sản, tính mạng cho người dân, đảm bảo cho người dân sản xuất ăn chắc khi lũ về. Còn tại huyện đầu nguồn Hồng Ngự, gần 8.000 ha đã được thu hoạch (chiếm 63,4%), còn 3.200 ha lúa chưa thu hoạch, tập trung ở các xã Long - Phú Thuận, Long Khánh A, Long Khánh B. Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự - Nguyễn Hoàng Nhung cho biết, tất cả các diện tích lúa ngoài đê bao khép kín đã được thu hoạch để đảm bảo ăn chắc. Còn lại những diện tích lúa chưa thu hoạch đều nằm trong các khu sản xuất an toàn, có đê điều đảm bảo. Tuy nhiên, địa phương luôn có những phương án dự phòng, vận động tuyên truyền người dân theo hình thức "3 tại chỗ, 4 sẵn sàng", có các đội túc trực kiểm tra đê bao, hạn chế thấp nhất các hậu quả khi có sự cố xảy ra. Ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ giữa tháng 7 khu vực trung lưu sông Mê Kông đã có mưa vừa, mưa to, mực nước tại khu vực này tăng nhanh và ở mức cao hơn cùng kỳ năm ngoái hơn 0,2 m . Ngoài ra trong hai ngày 24-25/7, mực nước tại trạm thuỷ điện Stungtreng (Campuchia)  đã có sự gia tăng đáng kể với biên độ nước lên trong 48 giờ là 0,71 m. Nguyên nhân là do lũ thượng nguồn kết hợp với kỳ triều cường nên mực nước các nơi trong tỉnh đã lên nhanh.
Lực lượng chức năng và người dân gia cố các đoạn đê xung yếu để bảo vệ các trà lúa vụ hè - thu 2018 chưa thu hoạch ở Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
 Lực lượng chức năng và người dân gia cố các đoạn đê xung yếu để bảo vệ các trà lúa vụ hè - thu 2018 chưa thu hoạch ở Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Ông Hùng nói thêm, mực nước cao nhất tháng 7/2018 tại Tân Châu là 3,02 m, cao hơn 0,02 m so với cùng kỳ tháng 7/2017. Dự báo đến ngày 10/8/2018 mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,5m và cao hơn cùng kỳ 2017 là 30cm. Đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực đầu nguồn xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, ở mức cao hơn năm 2017; xấp xỉ trung bình nhiều năm, dao động ở mức  động II. Đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực nội đồng Tháp Mười xuất hiện vào giữa tháng 10 và ở mức báo động cấp II. Mực nước khu vực phía Nam lên mức cao nhất vào tháng 10,11; ở mức báo động cấp III.   Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương theo dõi sát tình hình thời tiết, thủy văn, thực hiện tốt điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình thuỷ văn để phục vụ cho việc chỉ đạo xuống giống và triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ sản xuất; kịp thời thông báo cho dân biết để chủ động phòng tránh. Đối với những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng, lên phương án thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu ở vùng trũng và vùng ngoài đê bao. Bên cạnh đó, các địa phương bố trí lực lượng tuần tra các tuyến đê bao xung yếu, tăng cường kiểm tra đê bao, gia cố ngay những đoạn đê bao cống đập còn thấp, chuẩn bị các trang thiết bị máy bơm sẵn sàng bơm sẵn sàng khi sự cố xảy ra.
Chương Đài 

Có thể bạn quan tâm