Động lực phát triển kinh tế cho huyện miền núi Hà Tĩnh

Động lực phát triển kinh tế cho huyện miền núi Hà Tĩnh
Cây cam Hà Tĩnh . Ảnh: nguồn TTXVN
Cây cam Hà Tĩnh . Ảnh: nguồn TTXVN

Huyện Vũ Quang là địa phương được thành lập chưa lâu lấy từ một phần diện tích đất của các huyện Hương Sơn, Hương Khê và Đức Thọ, nhưng huyện Vũ Quang đã tận dụng được điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, địa lý để hình thành nên các vùng trồng cây ăn quả có múi cho chất lượng tốt mà trong đó tiêu biểu là cam.

Cam Vũ Quang chín mọng đều, tép mịn, hương vị rất thơm ngon, vị ngọt đặc trưng, đặc biệt người dân không sử dụng các chế phẩm sinh học để chăm sóc, bảo quản, chính vì vậy đã tạo được sự tin tưởng về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm với người tiêu dùng.

Ông Phạm Quốc Thanh, Phó Chủ tịch huyện Vũ Quang cho biết, gắn với việc xây dựng nông thôn mới huyện Vũ Quang đã có đề án phát triển cây ăn quả có múi đến năm 2020. Đến nay thì toàn huyện Vũ Quang đã có trên 3.100 ha cây ăn quả; trong đó cây cam chiếm 2.300 ha.

“Chúng tôi đã ban hành các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ nhân dân phát triển cây ăn quả, cụ thể: hỗ trợ phát triển khai hoang mới 0,2 ha cam thì hỗ trợ 10.000 đồng/cây giống,  0,5 ha cam thì hỗ trợ 15.000 đồng/cây giống và trồng mới 1 ha cam thì hỗ trợ 25.000 đồng/cây giống”, ông Thanh nói.

Từ những chính sách đó đã tạo động lực, nguồn khích lệ cho người dân tập trung phát triển cây ăn quả mà chủ yếu là cây cam. Cây cam trở thành cây đem lại lợi nhuận về kinh tế và cho thu nhập bền vững đối với người dân và cũng là cây xóa đói, giảm nghèo.

Với lợi thế là huyện có đất vườn đồi, đất rừng, đất lâm nghiệp lớn chiếm 80% diện tích đất toàn huyện, nên Vũ Quang đã quy hoạch các vùng trồng cây ăn quả phù hợp; trong đó các loại cây ăn quả có múi như: cam, bưởi, chanh, quýt.

Theo đó, các vùng quy hoạch trồng cây ăn quả có múi  là cây cam chanh ở các xã  Hương Minh, Hương Quang, Hương Thọ, Đức Lĩnh, Đức Bồng; cam bù ở các xã Sơn Thọ, Hương Điền, Đức Lĩnh; cây chanh ở các xã Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Giang, Sơn Thọ và cây bưởi bố trí trồng phân tán trong các vườn hộ thuộc các xã Hương Thọ, Hương Minh, Đức Hương, Đức Liên, Ân Phú, Hương Quang, thị trấn Vũ Quang.

Huyện Vũ Quang đã ra nghị quyết về phát triển cây ăn quả có múi, Hội đồng nhân dân huyện ra nghị quyết và ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Vũ Quang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Từ đó các cấp, ngành, các đơn vị, địa phương và nhân dân đồng lòng cùng tiến hành hình thành các tổ hợp, các hợp tác xã trồng cây ăn quả và tiêu thụ, thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con nhân dân.

Theo đó, năm 2011 diện tích cây ăn quả có múi của huyện Vũ Quang mới chỉ có 984 ha, sản lượng 4.500 tấn; trong đó chủ yếu là cam thì đến năm 2015 diện tích và sản lượng cây ăn quả có múi vượt rất nhiều với 2.136 ha, sản lượng 9.000 tấn. Cây cam trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ dân ở huyện Vũ Quang và cũng trở thành cây xóa đói, giảm nghèo; nhiều gia đình trồng cam cho thu nhập hàng tỷ đồng.

Xã Đức Bồng là địa phương tiên phong trong phát triển cây ăn quả có múi mà đặc biệt là cây cam và cây chanh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch xã Đức Bồng cho biết, xã Đức Bồng đã trồng được 368 ha cam; trong đó diện tích cam đã cho thu hoạch là 192 ha, sản lượng đạt 12 tấn/ha. Có khoảng 12 hộ cho thu nhập từ 400 triệu đến trên 1 tỷ đồng, còn hộ thu nhập từ trên 100 triệu thì khoảng 50 hộ. Theo lộ trình từ năm 2018 đến năm 2020 mỗi năm xã sẽ phát triển  thêm 30 ha nữa.

Đến thăm vườn cam của hộ anh Lê Ngọc Lâm ở thôn 6 xã Đức Bồng nhìn vườn cam sai quả và chín đều, rất nhiều người đang thu hoạch để cho các chủ kinh doanh đem về xuôi tiêu thụ, thể hiện rõ việc thu mua và tiêu thụ đối với đặc sản Cam Vũ Quang là hiệu quả.

Anh Lê Ngọc Lâm chia sẻ: “Gia đình tôi trồng trên 3 ha cam chanh năng suất khoảng 30 tấn và giá bán trung bình loại một là 40.000 đồng/kg, mặc dù năm nay thời tiết không thuận lợi và gặp phải mưa, bão nên cây cam chín muộn, nhưng các tiểu thương và doanh nghiệp đã đến thu mua tận nơi nên không lo về tiêu thụ sản phẩm.”

Không chỉ ở xã Đức Bồng cho thu nhập lớn từ cây cam mà các xã khác cũng phát triển kinh tế từ mô hình trồng cây ăn quả mà chủ yếu vẫn là cam, chanh bởi người dân ở đây chủ yếu lấy giống cam từ bản địa, cho năng suất và áp dụng các kỹ thuật, chăm sóc tốt nên cam cho quả ngọt, thơm.

Ông Nguyễn Văn Linh thôn 3 xã Hương Thọ nói: “Năm nay mặc dù có ảnh hưởng của bão, lũ, nhưng nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất, mạnh dạn đầu tư các ứng dụng tiến bộ như hệ thống tưới nước nhỏ giọt, phủ lưới bảo vệ cây cam… giúp đem lại sản lượng và chất lượng cam thơm, ngọt.”

Với sự quyết tâm và hiệu quả về kinh tế do cây ăn quả mang lại thì mục tiêu đến năm 2020, Vũ Quang có  4.100 ha cây ăn quả, diện tích cho sản phẩm là 3.000 ha, với sản lượng trên 50.000 tấn, ước đạt trên 1.200 tỷ đồng là hiện hữu.
Công Tường 

Có thể bạn quan tâm