Đồng bào Khmer Kiên Giang phấn khởi đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

Đồng bào Khmer Kiên Giang phấn khởi đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây
Là địa phương có  đồng bào dân tộc Khmer nhiều nhất tỉnh, chiếm hơn 30% dân số toàn huyện, những ngày này, bà con Khmer huyện Gò Quao nhộn nhịp đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2018.
Lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang thăm, chúc mừng, tặng quà cho các chùa và gia đình Khmer tiêu biểu trên địa bàn huyện An Biên (Kiên Giang). Ảnh: Lê Sen - TTXVN
Lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang thăm, chúc mừng, tặng quà cho các chùa và gia đình Khmer tiêu biểu trên địa bàn huyện An Biên (Kiên Giang). Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Đến các xã có đông đồng bào Khmer trong huyện, nhất là tại các chùa Nam Tông Khmer, mọi người sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh các phật tử tề tựu về chùa quét dọn, sơn sửa để đón Tết cổ truyền. Không khí trở nên rộn ràng, náo nhiệt.
   
Ông Danh Ngun, người dân ấp Hòa Thiện, xã Định Hòa, huyện Gò Quao không giấu niềm vui mừng, phấn khởi cho biết: Năm nay, đồng bào Khmer trong xã đón Tết lớn hơn mọi năm, vì vụ lúa Đông Xuân vừa rồi trúng mùa và bán được giá cao.

Gia đình ông Ngun thu hoạch xong, sau khi trừ chi phí lãi gần 80 triệu đồng cho 2 ha lúa, cao hơn nhiều so với mọi năm. Không chỉ riêng, ông Ngun mà bà con nông dân trong xã năm nay đa số đều trúng mùa nên có điều kiện đón Tết vui hơn mọi năm.
 
Đối với đồng bào Khmer, chùa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, các hoạt động vui chơi, giải trí mang đậm bản sắc văn hóa.

Vì thế, những ngày này, đồng bào Khmer ở huyện vùng sâu Gò Quao tề tựu về các chùa để chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Tại đây, ngoài việc vui chơi, giải trí, bà con còn cùng nhau bàn bạc, trao đổi công việc mùa vụ, sản xuất.
  
Tại chùa Cà Nhung, xã Định Hòa, đông đảo đồng bào phật tử Khmer có mặt ở chùa rất sớm và rất đông để đón Tết cổ truyền. Tiếng nhạc ngũ âm được vang lên làm không khí thêm vui tươi, náo nhiệt.

Ông Danh Phương, Ban Quản trị chùa Cà Nhung cho biết, năm nay, chùa Cà Nhung được đầu tư xây mới ngôi sala tiếp khách nên diện mạo ngôi chùa khang trang hơn. Ngôi sala cũng vừa hoàn thành nên đồng bào phật tử càng thêm phấn khởi.
  
Đón Tết cổ truyền cũng là dịp để đồng bào Khmer gặp gỡ người thân, họ hàng, bạn bè cùng nhau trò chuyện, nhắc nhở nhau đón Tết lành mạnh, tiết kiệm, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, cùng nhau đoàn kết thi đua yêu nước và cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới.
  
Trong những ngày này, huyện Gò Quao đã thành lập các đoàn cán bộ đến thăm, chúc Tết các chùa Khmer, các gia đình chính sách tiêu biểu là người Khmer.

Đồng thời, huyện còn tổ chức họp mặt cán bộ, chiến sỹ và các sư sãi người dân tộc Khmer trên địa bàn nhằm thăm hỏi, động viên và chúc mừng năm mới trong không khí vui tươi, ấm áp.
  
Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer có ý nghĩa là Tết mừng năm mới. Trong 3 ngày Tết, nhiều nghi lễ truyền thống mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp đã diễn ra.

Trong những ngày Tết, các chùa tổ chức các trò chơi dân gian để bà con vui chơi giải trí, để mùa màng được trúng, giúp người dân luôn được no ấm, hạnh phúc./.
 Lê Sen
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm