Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chủ động nguồn hàng Tết

Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chủ động nguồn hàng Tết
Theo đó, nguồn cung hàng hóa tại thị trường thành phố đang rất dồi dào và tăng từ 2 - 4 lần, đồng thời lượng hàng hóa dự trữ cũng được chú động để đảm bảo điều tiết giá, tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm Tết an toàn và tiết kiệm.
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op.
Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Sức mua tăng ở nhiều ngành hàng 
Dự kiến tăng cao nhất nằm ở nhóm thực phẩm tươi sống, gồm: rau củ, quả; thịt gia súc, gia cầm... Còn nhóm sản phẩm công nghệ thường được ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 có thể kể đến như hàng đặc sản, bánh mứt, nước giải khát...

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết: Để có thể chủ động các chương trình bình ổn hàng hóa và có giá tốt, Liên hiệp đã chuẩn bị tổng lượng hàng hóa tăng 15% so với năm trước. Bên cạnh những mặt hàng bình ổn giá, một số mặt hàng thiết yếu khác vẫn được Saigon Co.op chủ động tham gia giữ giá tốt hơn so với thị trường tối thiểu 5% - 10% đối với các mặt hàng cùng loại, kết hợp các dịch vụ tiện ích để giúp người tiêu dùng mua sắm đầy đủ và tiết kiệm.
 
Liên quan đến chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, hệ thống siêu thị Big C đã chuẩn bị đầy đủ nguồn cung rau củ, quả, thực phẩm tươi sống, đáp ứng nhu cầu thị trường Thành phố Hồ Chí Minh Riêng đối với ngành hàng bánh, kẹo, mứt... phục vụ mùa Tết năm nay, Big C dự kiến đạt mức tăng trưởng doanh số 15% so với Tết năm 2017; trong đó, tỷ trọng bánh, kẹo, mứt... hàng nội chiếm 95%; hàng ngoại 5%; đồng thời giá cả các mặt hàng này sẽ được giữ ổn định nhờ vào việc Big C đã phối hợp cũng như đặt hàng sớm từ nhà cung cấp.
 
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết tăng cao ở nhiều ngành hàng, Trung tâm Thương mại và Hệ thống siêu thị LOTTE Mart đã dự trữ lượng hàng hóa lớn và tăng 25% so với năm 2016. Bên cạnh đó, với nỗ lực bình ổn giá trước, trong và sau Tết, LOTTE Mart làm việc với tất cả nhà cung cấp với yêu cầu hỗ trợ không tăng giá, thậm chí tăng cường hàng hóa dự trữ nhằm cung ứng đủ cho nhu cầu của người dân trong cao điểm Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
 
Cụ thể, ông Đoàn Diệp Bình, Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Trung tâm thương mại LOTTE Việt Nam, cho biết xác định thời gian cao điểm nhất của mua sắm Tết sẽ bắt đầu từ tháng Chạp năm 2017, vì vậy ngay từ giai đoạn này LOTTE Mart đã lên kế hoạch tăng cường các vị trí nhân viên, thu ngân, bảo vệ, vệ sinh… cũng như làm việc với các đơn vị cung ứng dịch vụ, quầy tính tiền nhằm phục vụ tốt thị trường Tết.
 
Ghi nhận tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay các đơn vị sản xuất kinh doanh đã đưa hàng Tết ra thị trường, cũng như nhiều ngành hàng tiêu dùng thiết yếu đã bắt đầu tăng sức mua. Trong đó, các ngành hàng như may mặc, đồ dùng gia đình, thực phẩm đóng gói... có sự cải tiến về mẫu mã, chất lượng nên thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Điển hình, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản - Vissan đã giới thiệu ra thị trường 15 sản phẩm mới, gồm: nem lụi, xá xíu, pate thịt đặc biệt, giò lợn xông khói... Ngoài ra, Vissan không ngừng cải tiến hai dòng sản phẩm chủ đạo phục vụ mùa Tết Nguyên đán hàng năm là lạp xưởng và giò lụa.
 
Đặc biệt, một số doanh nghiệp, hợp tác xã... tiếp tục tung ra thị trường những sản phẩm nông sản không chỉ được đầu tư chất lượng mà còn chú trọng cải thiện mẫu mã. Bên cạnh phương thức kỹ thuật tạo hình bưởi hồ lô, dưa hấu đồng tiền... thì vài năm gần đây, các đơn vị giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm rau củ, quả được thiết kế theo dạng hộp quà, giỏ quà. Từ đó, đáp ứng nhu cầu mua sắm, biếu tặng của người dân trong dịp Tết hoặc trưng bày mâm ngũ quả.
 
Siết chặt kiểm soát chất lượng thực phẩm
    
Theo Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những vấn đề trọng tâm trong việc triển khai công tác chuẩn bị hàng hóa Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 là những chính sách ưu tiên phân phối, tập trung phát triển nguồn cung thực phẩm sạch, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn. Cùng với chuẩn nguồn cung hàng hóa dồi dào, đảm bảo chất lượng, là tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, gian lận thương mại trên thị trường thành phố.
 
Cụ thể, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng đối với  kiểm soát chất lượng thực phẩm nói chung và hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 nói riêng, các sở ngành và cơ quan chức năng thành phố cần xử lý nghiêm để bảo vệ sức khỏe người dân và tính lành mạnh của thị trường. Chính vì vậy, các đơn vị chủ lực không được chủ quan, phải bám sát, theo dõi diễn biến cung - cầu; tăng cường kiểm tra nguồn hàng hóa cung ứng vào thị trường thành phố; giám sát giá cả thị trường trên địa bàn để kịp thời có giải pháp xử lý đối với những biến động bất ngờ.
 
Đồng hành cùng các đơn vị sản xuất kinh doanh triển khai kế hoạch phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 trên địa bàn, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: Sở luôn tạo mọi cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường tại  thành phố. Trong đó, có thể kể đến như tổ chức chương trình bán hàng Tết, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường kết hợp hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op.
Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Theo ông Phạm Thành Kiên, Sở Công Thương đã và đang là đầu mối gắn kết doanh nghiệp với hệ thống chính trị như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản… phát triển nhanh và mạnh các điểm bán đạt chuẩn về chất và lượng;  tăng tần suất bán hàng lưu động, phục vụ công nhân. Song song đó, ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường mở rộng mạng lưới phân phối đến khu vực đông dân cư, các quận ven huyện ngoại thành... nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng hóa trong Chương trình cho các đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình, thấp.
 
Trong hai tháng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng lượng hàng hóa đạt hơn 17.812 tỷ đồng, tăng hơn 743 tỷ đồng (4,17%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết 2017; trong đó, nhiều nhóm hàng chuẩn bị sản lượng lớn, chi phối từ 32% – 55% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo... Đặc biệt, thị trường thành phố có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương, với sản lượng dồi dào, chất lượng cao, giá cả hợp lý.
 
Qua  khảo sát thị trường, kiểm tra các doanh nghiệp về khả năng cung ứng nguồn hàng chuẩn bị phục vụ Tết tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, các đơn vị đã có sự chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, hệ thống phân phối phủ rộng… Theo đó, các sở, ngành thành phố dự báo giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết sẽ ổn định, khó xảy ra tình trạng biến động về nguồn cung cũng như giá cả./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm