Điện Biên tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững

Điện Biên tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững

Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên đang hình thành và tạo sự liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và nông dân. Nhiều hộ gia đình đã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo.

Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển, khai thác thế mạnh của từng địa phương để phát triển nông nghiệp một cách bền vững nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

Trong 3 năm qua, giá trị gia tăng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,23%/năm. Cơ cấu kinh tế nội ngành đã chuyển dịch theo đúng định hướng tái cơ cấu: giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ. Năm 2017, tổng trị giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5.000 tỷ đồng, tăng so với năm 2014 hơn 600 tỷ đồng.

Hiện, toàn tỉnh hiện có 7 làng nghề và hơn 1.500 cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn. Một số làng nghề đã được chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và sản xuất, tiêu biểu như: Làng nghề dệt may thổ cẩm Na Sang II (huyện Điện Biên); làng nghề thêu ren xã Sín Phình (huyện Tủa Chùa).

Tính đến tháng 6/2018, tỉnh Điện Biên đã thu hút được 15 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; tổ chức xây dựng và xác nhận 11 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bước đầu đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như: Sản xuất rau thủy canh hồi lưu trong nhà lưới công nghệ, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới.

Hiện tại, một số doanh nghiệp đang hoàn thiện thủ tục để đầu tư trồng cây Mắc ca gắn với chế biến và chăn nuôi bò sữa. Ngoài ra, tỉnh cũng đã phê duyệt 2 dự án cánh đồng lớn quy mô 53 ha và 63 ha; xây dựng chỉ dẫn địa lý và mã truy suất nguồn gốc cho sản phẩm gạo Bắc thơm 7 của công ty thực phẩm Safe Green với diện tích 15 ha, cấp đăng ký mã truy suất nguồn gốc cho sản phẩm Cà phê của công ty Đại Bách Mường Ảng, gạo Bắc số 7 của hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thanh Yên…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến, để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Điện Biên sẽ triển khai kịp thời các chính sách hiện có của Trung ương và của tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; thường xuyên rà soát, đánh giá, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của từng địa phương; trong đó, tập trung tuyên truyền các chính sách, cơ chế trong thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất.

Bên cạnh đó, tỉnh nhanh chóng hoàn thiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tiếp cận đất đai, vốn, khoa học công nghệ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn…
          Võ Văn Dũng

Có thể bạn quan tâm