Điện Biên cần sớm di dời 14 hộ dân bản Mường Tỉnh A ra khỏi vùng sụt lún, nguy hiểm

Điện Biên cần sớm di dời 14 hộ dân bản Mường Tỉnh A ra khỏi vùng sụt lún, nguy hiểm
Từ tháng 8/2017, tại bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) đã xảy ra tình trạng nứt, sụt lún nền đất.
Hiện vết nứt dài hàng trăm mét, độ rộng vết nứt từ 15 - 20 cm, cá biệt có nơi rãnh nứt rộng đến 30 cm, tạo thành cung trượt sạt chạy qua bản. Đặc biệt, tình trạng sạt lở đất còn tạo ra hai khe trong bản. Tại hai khe này có những “hàm ếch” cao hơn 2m, dài hơn chục mét và đang có chiều hướng tiếp tục sạt lở, “nuốt đất”, đe dọa nhiều ngôi nhà, chuồng trại chăn nuôi của người dân mỗi khi xảy ra mưa lớn. Đằng sau vẻ bình yên của bản làng, hiện nay người dân nơi đây luôn sống trong tình trạng bất an, lo lắng vì sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ngôi nhà ở bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất rất cao. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN
Ngôi nhà ở bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất rất cao. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN
Dù các loại cây dại đã mọc lên, che khuất lối đi, phủ lấp tầm nhìn nhưng có sự dẫn đường của Trưởng bản Mường Tỉnh A và cán bộ địa chính xã, chúng tôi dễ dàng tìm ra vết rãnh nứt, lún sụt đất tại nhiều vị trí trong bản. Nguy hiểm hơn, tình trạng sạt lở, sụt lún đất đã xảy ra tại hai khe ở vị trí cách nhau hơn 200 mét với những hố “hàm ếch” cao và sâu.

Là 1 trong 19 bản của xã Xa Dung, bản Mường Tỉnh A có gần 30 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu, đều là dân tộc Mông. Trong bản có 14 hộ với 109 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất.
         
Anh Lường Văn Sinh, cán bộ địa chính xã Xa Dung cho biết, tình trạng sạt lở, sụt lún đất xảy ra từ nhiều năm trước nhưng người dân không để ý. Tuy nhiên, từ sau những trận mưa lớn xảy ra vào tháng 7, tháng 8/2017, tình trạng sạt lở đất tại hai khe sạt lở diễn ra mạnh và rõ ràng hơn. Khi tiến hành rà soát, khảo sát khu vực quanh bản, lực lượng chức năng của địa phương đã phát hiện đất nứt thành rãnh, dài hàng trăm mét chạy qua bản, độ rộng vết nứt từ 15 - 20 cm, có nơi rộng tới 30 cm. Năm 2017, đã có 4 hộ dân bỏ nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, vườn tược đi sinh sống ở địa điểm khác, còn 10 hộ trong vùng nguy hiểm chưa di chuyển được, trong đó 2 hộ nằm trọn phía dưới cung trượt, sạt và 8 hộ khác nằm phía trên của rãnh nứt. Cuộc sống của người dân nơi đây bao năm đã rất khó khăn, giờ càng khó khăn hơn.

Hai hộ dân trong bản Mường Tỉnh A nằm trọn dưới cung trượt, sạt lở đất. Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN
Hai hộ dân trong bản Mường Tỉnh A nằm trọn dưới cung trượt, sạt lở đất. Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN

Anh Vừ A Tủa, người dân sinh sống ở bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung, cho hay khi phát hiện rãnh nứt, người dân trong bản cảm thấy mất an toàn nên rất lo sợ, nhất là khi rãnh nứt ngày một rộng và tình trạng sạt lở đất lại tiếp tục diễn ra. Do đó, bà con mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, sớm di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất đến địa điểm khác an toàn, để ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
         
Theo ông Vừ A Lử, Trưởng bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung, mỗi khi xảy ra mưa lớn, tình trạng sạt lở tại hai khe sạt lở lại tiếp diễn, hàng chục khối đất bị “nuốt” trôi xuống sâu dưới khe lở, tiềm ẩn những mối nguy hiểm đến đời sống, nhà cửa, ruộng vườn của bà con trong bản. Để ứng phó với tình trạng sạt lở đất, mỗi khi mưa lớn xảy ra, người dân trong bản chủ động di chuyển đến ở tạm nhà khác nằm ngoài vùng nguy hiểm. Trong bản, người có sức khỏe thì đắp đất không cho nước chảy vào rãnh nứt và ngăn dòng để nước mưa không đổ vào hai khe lở, nhằm hạn chế tình trạng sạt lở đất. Cũng như nhiều người dân trong bản Mường Tỉnh A, Trưởng bản Vừ A Lử mong muốn các cấp chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất sớm di chuyển khỏi cung trượt, để sinh sống ở một địa điểm khác đảm bảo an toàn, ổn định hơn.
         
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xa Dung Chá Chồng Chu, điều lo lắng nhất là tình trạng sụt lún, sạt lở đất đang đe dọa cuộc sống, sự an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong bản. Thực tế địa hình của bản Mường Tỉnh A ở trên cao, có độ dốc lớn, phía dưới bản lại là vực sâu, có nhiều hang, hố nên rất nguy hiểm, nhất là khi có mưa to kéo dài, nước đổ dồn về rãnh nứt, các khe lở thì khó lường trước được hiểm họa xảy ra.
         
Tình trạng sạt lở hàng chục m3 đất, cây cối tại khe nứt thứ hai và đang có xu hướng ngày càng "nuốt" những diện tích đất phía trên khe vực. Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN
Tình trạng sạt lở hàng chục m3 đất, cây cối tại khe nứt thứ hai và đang có xu hướng ngày càng "nuốt" những diện tích đất phía trên khe vực. Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN

Tháng 4/2018, đoàn cán bộ của xã đã trực tiếp vào bản để xác nhận hiện trạng sạt lở đất. Chính quyền huyện Điện Biên Đông cũng nhiều lần trực tiếp xuống địa bàn để kiểm tra, xác nhận hiện trạng, đánh giá mức độ ảnh hưởng và chỉ đạo chính quyền địa phương công tác phòng chống, ứng phó thiên tai.
         
Cũng theo ông Chá Chồng Chu, chính quyền xã đã tổ chức tuyên truyền cho bà con trong bản sát sao theo dõi, nắm bắt tình hình và có chế độ báo cáo để chính quyền xã có hướng chỉ đạo kịp thời; khuyến cáo người dân khi có mưa lớn, nguy cơ sạt lở đất xảy ra, cần chủ động nhanh chóng di dời đến khu vực an toàn hơn.

Một đoạn vết nứt dài hàng trăm mét chạy ngang qua bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN
Một đoạn vết nứt dài hàng trăm mét chạy ngang qua bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN

Về lâu dài, ông Chá Chồng Chu cho biết, chính quyền địa phương và nhân dân 14 hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng của khu vực có nguy cơ sạt lở đất trong bản Mường Tỉnh A đều muốn sớm được di dời khỏi bản cũ để ổn định cuộc sống. Qua khảo sát thực tế, do đặc thù địa hình là xã vùng cao, có độ dốc rất lớn, chính quyền xã chỉ tìm được một địa điểm mới để có thể di dời 14 hộ dân ở bản Mường Tỉnh A đến định cư. Địa điểm mới này có diện tích 1,2 ha, nằm cách bản cũ khoảng 800m. Tuy nhiên, địa điểm này lại thuộc diện tích đất rừng phòng hộ đã giao cho cộng đồng quản lý theo Kế hoạch 388, thuộc tiểu khu 727, khoảnh 6, trạng thái rừng IIa, nên UBND xã Xa Dung đã có tờ trình gửi UBND huyện Điện Biên Đông về việc đề nghị, xin chủ trương di chuyển 14 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, về địa điểm mới.
         
Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông Vừ A Bằng cho biết, lãnh đạo huyện Điện Biên Đông đã nhiều lần cùng đoàn công tác của huyện trực tiếp vào bản khảo sát thực tế và nắm rõ thực trạng sạt lở đất tại bản Mường Tỉnh A. Huyện đã có văn bản báo cáo tình hình với UBND tỉnh Điện Biên; UBND tỉnh Điện Biên cũng đã giao các sở, ngành liên quan chủ trì, phối hợp với huyện Điện Biên Đông trong việc rà soát, kiểm tra để tham mưu cho UBND tỉnh sớm có phương án xử lý sự việc.
         
Một trong 2 khe nứt trên địa bàn bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN
Một trong 2 khe nứt trên địa bàn bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN

Ngoài địa bàn bản Mường Tỉnh A (xã Xa Dung), tình hình nứt gãy, sụt lún, sạt lở đất cũng đã và đang xảy ra trên địa bàn bản Tình Dình C (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông). Tại đây, tình trạng sạt lở, nứt gãy và sụt lún đất đã ảnh hưởng trực tiếp và có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của hơn 450 học sinh, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tìa Dình; trụ sở UBND xã, trạm y tế xã Tìa Dình và 44 hộ với hàng trăm nhân khẩu trong bản ở mức nguy cấp.
         
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết luận chính thức từ phía các cơ quan chức năng, chuyên môn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện rãnh nứt, hiện tượng sụt lún nền và sạt lở đất tại bản Mường Tỉnh A (xã Xa Dung) và Tìa Dình C (xã Tìa Dình).
Xuân Tiến
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm