Đắk Nông tìm biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng

Đắk Nông tìm biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng
Toàn cảnh buổi họp
Toàn cảnh buổi họp

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các huyện, đơn vị chủ rừng khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng thời gian qua tại Đắk Nông.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, trong 4 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 213 vụ phá rừng (81,4 ha), tăng 42,9% về số vụ và tăng 49% về diện tích so với cùng kỳ năm 2017. Tình trạng phá rừng chủ yếu xảy ra trên địa bàn các huyện Đắk G’Long, Đắk Song, Tuy Đức và Krông Nô; các điểm nóng phá rừng thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp: Nam Nung, Đắk N’Tao, Quảng Sơn, Đức Hòa; Ban quản lý Rừng phòng hộ: Đắk R’Măng, Gia Nghĩa; Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ, Hợp tác xã Hợp Tiến… Đây cũng là những doanh nghiệp bị phá rừng với diện tích lớn trong những năm gần đây.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tình hình phá rừng diễn biến hết sức phức tạp. Các vụ phá rừng với diện tích lớn xảy ra tại lâm phần của các công ty: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (39 vụ/21,2 ha); Ban quản lý Rừng phòng hộ Đắk R’Măng (12 vụ/6,7 ha); Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N’Tao (19 vụ/3,5 ha)… Hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông và các địa phương đang tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ các khu vực bị phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân để xảy ra tình trạng phá rừng ồ ạt thời gian qua là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các lực lượng chức năng còn lơ là, buông lỏng công tác quản lý, thiếu chủ động và chưa có giải pháp quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả đối với diện tích rừng được giao. Việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ; việc quản lý nhân, hộ khẩu của các địa phương làm chưa tốt… Ngoài ra, giá các loại nông sản tăng cao thời gian qua cũng đã kích thích hành vi phá rừng của người dân.

Các đại biểu cũng nêu một số thực trạng những diện tích rừng bị phá như: phần lớn các vụ việc xảy ra phá rừng khi phát hiện thì không phát hiện được đối tượng để xử lý. Một số đối tượng sau khi chấp hành án phạt tù về hành vi phá rừng thì lại canh tác trên mảnh đất trước đây phá rừng…

Các đại biểu đã thống nhất quan điểm tất cả các diện tích rừng bị phá đều phải được thu hồi và giao lại cho các đơn vị chủ rừng để trồng lại rừng. Các đại biểu cũng đề xuất một số biện pháp để ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng như: cần rà soát quy hoạch giao đất, giao rừng; đánh giá lại năng lực quản lý, bảo vệ của các đơn vị chủ rừng; tăng cường lực lượng công an hỗ trợ các địa phương có “điểm nóng” phá rừng; những diện tích rừng bị phá, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sẽ phối hợp để lấy lại rừng dần dần.

Một số địa phương sẵn sàng cấp kinh phí cho các đơn vị chủ rừng làm cột bê tông để cắm mốc địa phận rừng nếu các chủ rừng và lực lượng chức năng cam kết không để mất rừng…

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu từ cấp tỉnh đến xã đều phải vào cuộc nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng.

Ông Bốn yêu cầu rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng một cách đầy đủ, khách quan. Đối với các diện tích rừng bị phá, các cơ quan chức năng kiên quyết thu hồi và giao lại cho các đơn vị chủ rừng để trồng lại rừng. Đối với những khu vực rừng bị phá mà không phát hiện đối tượng phá rừng, ông Bốn yêu cầu xử lý hình sự đối với các đối tượng mua bán, sử dụng đất rừng trái phép. Đối với cán bộ có vi phạm liên quan đến rừng đều phải xử lý nghiêm.
Ngọc Minh 

Có thể bạn quan tâm