Đắk Nông: Không đủ điều kiện hoạt động, cơ sở tái chế nhựa ở khu vực dân cư vẫn gây ô nhiễm môi trường kéo dài

Đắk Nông: Không đủ điều kiện hoạt động, cơ sở tái chế nhựa ở khu vực dân cư vẫn gây ô nhiễm môi trường kéo dài
Cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: TTXVN phát
Cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: TTXVN phát
Trong đơn gửi tới Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông và ngành chức năng liên quan, gần 20 hộ dân trú tại tổ 3, phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) phản ánh việc một cơ sở nấu nhựa thủ công trên địa bàn hoạt động gần 7 năm nay, gây ô nhiễm môi trường kéo dài. Theo các hộ dân, việc nấu, sơ chế nhựa theo quy trình thô sơ với các loại máy móc cũ kỹ, lạc hậu đã xả thải ra môi trường xung quanh một lượng khí thải độc, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Thêm vào đó, nước thải từ hoạt động sản xuất xả trực tiếp ra môi trường cũng ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi, sản xuất của người dân.

Đáng chú ý hơn, gần 2 năm nay, tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng do lò nấu nhựa tăng công suất. Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh tại các buổi tiếp xúc cử tri cũng như có đơn gửi Ủy ban nhân dân phường nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Máy móc, nhà xưởng của cơ sở tái chế nhựa tạm bợ, cũ nát. Ảnh: TTXVN phát
Máy móc, nhà xưởng của cơ sở tái chế nhựa tạm bợ, cũ nát. Ảnh: TTXVN phát

Bà Lê Thị Mai, người dân sống tại khu vực tổ 3, phường Nghĩa Đức cho biết: Tình trạng ô nhiễm tại đây đã đến mức báo động. Nhiều gia đình phải tính đến việc cho con học nội trú do lo ngại ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe của con, nhất là các cháu nhỏ. Bà Mai mong muốn, ngành chức năng kiểm tra hoạt động sản xuất của cơ sở, nhất là các vấn đề liên quan đến môi trường. Trên cơ sở đó, đối chiếu với các quy định của pháp luật và trả lời cho người dân.

Còn bà Lê Thị Ngọc - chủ một cơ sở kinh doanh phân bón tại đây cho rằng, việc sơ chế, tái chế bao bì thường kéo theo nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, từ khâu tập kết, sản xuất cho đến quá trình xử lý các loại nước thải, khí thải. Do đó không thể xây dựng và duy trì hoạt động một cơ sở với quy mô tương đối lớn như vậy tại các khu vực đông dân cư. Chủ cơ sở và ngành chức năng cần lên phương án di dời vào khu công nghiệp, nơi có hệ thống xử lý nước thải để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe người dân.

Bể xử lý nước của cơ sở tái chế nhựa tạm bợ, hôi thối. Ảnh: TTXVN phát
Bể xử lý nước của cơ sở tái chế nhựa tạm bợ, hôi thối. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 19/9, phóng viên liên hệ làm việc với cơ sở tái chế nhựa này và được một người đàn ông tên Bình tiếp, đưa đi tham quan với yêu cầu chỉ xem bằng mắt thường, không quay phim, chụp ảnh. Theo ghi nhận, cơ sở tái chế nhựa được xây dựng trên khuôn viên khoảng 2.000m2, trong đó hệ thống nhà xưởng khoảng 400m2, có khoảng 10 nhân công đang làm việc. Đáng chú ý, cơ sở này không có hệ thống xử lý nước thải, toàn bộ nước thải trong quá trình sơ chế, sản xuất đều được xả thẳng ra ao nước bên cạnh xưởng sản xuất.

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Lưu Hồng Hiếu - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Nghĩa Đức xác nhận phường đã nhận được đơn thư kiến nghị của các hộ dân về vấn đề cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường vào đầu năm 2018. Phường đã tổ chức kiểm tra lần đầu ngay sau khi nhận được đơn thư và lần 2 vào tháng 5/2018 khi đoàn của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Gia Nghĩa yêu cầu phối hợp. Cả hai lần kiểm tra đều đã nhắc nhở, yêu cầu chủ cơ sở hoàn tất các thủ tục pháp lý. UBND phường Nghĩa Đức không đủ điều kiện về con người cũng như máy móc để đánh giá mức độ ô nhiễm khói bụi, nước thải tại đây. Do đó rất mong muốn ngành chức năng hỗ trợ việc đánh giá và xử lý. Về lâu dài sẽ di dời cơ sở vào khu công nghiệp để đảm bảo các vấn đề về môi trường.

Cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: TTXVN phát
Cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Tiến Quân - Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Gia Nghĩa xác nhận, đơn vị đã tổ chức kiểm tra cơ sở nói trên vào ngày 15/5/2018. Chủ cơ sở là ông Nguyễn Đình Hiền trú tại địa phương. Quy mô sản xuất tại thời điểm kiểm tra là cơ sở sơ chế từ 3 - 4 tấn bao bì nhựa mỗi ngày và cho ra khoảng 2 tấn hạt nhựa thành phẩm. Công nghệ sơ chế thô sơ, không sử dụng hóa chất. Khí thải được thổi qua than hoạt tính trước khi thải ra môi trường; riêng nước thải chảy ra hồ chứa, không qua xử lý. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở ngưng hoạt động để hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định, cơ sở không đủ điều kiện để được cấp phép hoạt động, nhất là điều kiện liên quan đến môi trường nên đơn vị đã trả lại hồ sơ của cơ sở này sau khi tiếp nhận từ bộ phận một cửa. 

Về việc cơ sở tái chế nhựa vẫn hoạt động sau khi được yêu cầu tạm ngưng để bổ sung các thủ tục pháp lý, ông Quân cho rằng, trách nhiệm là của UBND phường Nghĩa Đức. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại sao không xử lý, xử phạt việc cơ sở xả khí thải, nước thải ô nhiễm ra môi trường ông Quân lý giải việc kiểm tra (vào ngày 15/5/2018) chỉ là kiểm tra thông thường. Đơn vị chỉ tham mưu UBND thị xã Gia Nghĩa ra quyết định xử phạt sau khi UBND phường xử lý về mặt hành chính và báo cáo. Còn trong trường hợp này phường chưa xử lý, cũng chưa báo cáo nên đơn vị không biết, không xử lý được.

Bà Đàm Thị Hệ - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Gia Nghĩa khẳng định sẽ mời chủ cơ sở và các cá nhân, đơn vị liên quan làm việc, xử lý theo đúng quy định. Bà Hệ thừa nhận việc kiểm tra, xử lý đối với cơ sở tái chế nhựa của ông Nguyễn Đình Hiền là chưa chặt chẽ, trách nhiệm thuộc về một số cán bộ trực tiếp xử lý của Phòng Tài nguyên và Môi trường cũng như chính quyền địa phương.
Hưng Thịnh - Anh Dũng

Có thể bạn quan tâm