Đắk Lắk kiểm soát quy hoạch phát triển cà phê

Đắk Lắk kiểm soát quy hoạch phát triển cà phê
Theo ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, những năm trước đây, do lợi nhuận từ trồng cà phê tăng cao nên người dân đua nhau mở rộng diện tích, dẫn đến quy hoạch sử dụng đất đai bị phá vỡ, một số diện tích cây trồng khác bị thu hẹp, không phát triển, đặc biệt là diện tích rừng, kể cả rừng phòng hộ bị lấn chiếm. Trong 5 năm trở lại đây, mặc dù tỉnh Đắk Lắk đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển cà phê bền vững; trong đó, có đề cập đến việc giảm diện tích, các ngành, cấp cũng khuyến nghị các nông hộ không được mở rộng diện tích nhưng diện tích cà phê vẫn tăng lên thậm chí, ở những vùng đất không thích hợp, không có nguồn nước tưới. 

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, diện tích trồng mới ở những nơi không đảm bảo cho cây cà phê phát triển, hiệu quả kém bình quân mỗi năm tăng hơn 2.700 ha. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 204.390 ha cà phê; trong đó có trên 193.000 ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch, với sản lượng mỗi năm từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên. Đây cũng là địa phương có nhiều diện tích, sản lượng cà phê lớn nhất nước. 15/15 huyện, thị xã, thành phố đều có trồng cà phê; trong đó huyện Cư M’gar là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất với trên 36.000 ha. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc phát triển cà phê không theo quy hoạch, kế hoạch đã ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, suy giảm đất canh tác, đất đai bị thoái hoá đang diễn ra với tốc độ nhanh. Hơn nữa, biến đổi khí hậu, sự biến động giá cà phê cùng vật tư đầu vào các loại tăng mạnh làm thiệt hại lớn đến người sản xuất. Ngay trong mùa khô năm 2016 vừa qua, tỉnh Đắk Lắk có gần 70.000 ha cà phê thiếu nước tưới làm giảm năng suất hoặc mất trắng, khiến nhiều nông hộ thất thu. Gia đình anh Y Téch, ở xã Cư Né (huyện Krông Búk) do chạy theo phong trào, đã chuyển hơn 2,5 ha đất trồng ngô trên đồi sang trồng cà phê. Đây là diện tích cà phê nằm ngoài vùng quy hoạch. 

Mặt khác, hình thức tổ chức sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún với khoảng trên 85% diện tích cà phê của tỉnh do các nông hộ trực tiếp quản lý và sử dụng. Diện tích cà phê già hoá hết chu kỳ kinh doanh ngày càng tăng. Cụ thể, hiện nay, cà phê trên 20 năm tuổi chiếm trên 23,5% diện tích, từ 15 đến 20 tuổi chiếm 34,9% diện tích. Tổng diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém cần tái canh từ năm 2013 đến năm 2020 của tỉnh là 30.442 ha. Việc chăm sóc, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, công tác quản lý, bảo vệ chưa tốt, thu hoạch quả xanh còn chiếm tỷ lệ cao. Công tác phơi sấy, chế biến còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng chất lượng cà phê nhân chưa cao, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng trong, ngoài nước… 

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết, hiện tỉnh đã tiến hành rà soát lại vùng quy hoạch sản xuất chuyên canh cà phê theo 3 cấp: tỉnh, huyện và xã theo hướng bền vững, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cà phê giảm xuống chỉ còn 170.000 ha nhưng sản lượng hàng năm vẫn đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên. 

Đối với những diện tích cà phê đã trồng không đủ nước tưới, hoặc không chủ động nguồn nước, có độ dốc trên 15 độ, cà phê già cỗi, năng suất thấp, kém hiệu quả, không nằm trong vùng quy hoạch, tỉnh tuyên truyền, vận động các nông hộ chuyển đổi sang trồng các cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp trong vùng quy hoạch, tỉnh có kế hoạch trồng tái canh bằng các giống mới như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13… trong đó có một số giống cà phê chín muộn. Đây là những giống cà phê đạt năng suất cao từ 4,2 đến 7 tấn cà phê nhân/ha, có chất lượng tốt, cỡ hạt lớn đạt loại 1 trên 65%, kháng bệnh cao. Riêng giống cà phê chín muộn được trồng sẽ nhằm chuyển dần thời gian thu hoạch vào đúng mùa khô, không những thu hoạch thuận lợi, chất lượng không bị hư hỏng do mưa trong quá trình phơi sấy mà còn giảm được lượng nước tưới trong mùa khô. 

Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương kiên quyết không mở rộng diện tích trồng mới ở ngoài vùng quy hoạch mà tiếp tục thực hiện có hiệu chương trình trồng tái canh cà phê trong vùng quy hoạch giai đoạn 2015- 2020. Theo đó, bình quân mỗi năm trồng tái canh khoảng 4.000 ha và phần lớn được trồng cây che bóng, chắn gió để thích nghi với biến đổi khí hậu. Đến nay, các nông hộ đã trồng tái canh được gần 17.000 ha cà phê, với phần lớn diện tích là các giống cà phê mới, trong đó huyện Cư M’gar là địa phương có diện tích trồng tái canh nhiều nhất. 

Tỉnh Đắk Lắk cũng lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng hệ thống bản đồ số nhằm quản lý lý lịch vườn cây, bản đồ thổ nhưỡng gắn với vùng chỉ dẫn địa lý cà phê trên địa bàn tỉnh, đầu tư xây dựng thêm các công trình thuỷ lợi, hệ thống kênh mương dẫn nước phục vụ tốt yêu cầu thâm canh cà phê trong vùng quy hoạch. 

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk tuyên truyền nâng cao nhận thức nông hộ, doanh nghiệp về sản xuất cà phê bền vững gắn liền với lợi ích kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Mở rộng áp dụng Quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất, nâng tỷ lệ diện tích sản xuất cà phê có chứng nhận, có trách nhiệm chiếm trên 60% trong tổng diện tích cà phê trên địa bàn. 

Tỉnh Đắk Lắk cũng có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong, ngoài nước tham gia chương trình phát triển cà phê bền vững, xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm sâu như cà phê bột, cà phê hoà tan…nhằm nâng cao tỷ trọng công nghiệp chế biến, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê trên địa bàn./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm