Đạ Tẻh phát triển nghề trồng dâu chăn tằm

Đạ Tẻh phát triển nghề trồng dâu chăn tằm
Trồng dâu nuôi tằm ở Đạ Tẻh đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: lamdong.gov.vn
Trồng dâu nuôi tằm ở Đạ Tẻh đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: lamdong.gov.vn
Nghề trồng dâu nuôi tằm vốn là nghề truyền thống của vùng đất Đạ Tẻh từ những năm 1985 - 1990, khi bà con từ các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đến vùng đất này xây dựng kinh tế mới. Khi thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) được coi là thủ phủ của ngành tằm tơ Việt Nam, thì tại các xã Đạ Pal, Đạ Lây của huyện Đạ Tẻh đã trồng tới 200 ha dâu, nghề chăn tằm là nguồn thu nhập chủ yếu của bà con nơi đây. Trong thời kỳ ngành tơ lụa Việt Nam suy giảm do khủng hoảng kinh tế, chỉ còn lại một số hộ muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông mà tiếp tục sản xuất theo mô hình thủ công. Sau gần 20 năm “thoi thóp”, tới năm 2008, ngành tơ lụa Việt Nam phục hồi, kéo theo nghề tằm tơ của tỉnh Lâm Đồng cũng như huyện Đạ Tẻh hồi sinh và phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Với giá kén được thu mua tới 140.000- 150.000 đồng mỗi kg, thu nhập của mỗi hộ gia đình trồng dâu nuôi tằm đã lên tới 30- 40 triệu đồng mỗi tháng; mỗi héc-ta cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm. Các doanh nghiệp tới tận nhà thu mua, nên bà con không còn lo về đầu ra cho sản phẩm của mình. Hơn nữa, tuổi sinh trưởng của loại cây này chỉ hơn nửa năm là cho thu lá, nên nếu gặp sự cố như thời kỳ trước kia, việc bà con chuyển đổi sang loại cây trồng khác cũng khá nhanh, nên rủi ro cho ngành nghề này là không đáng kể. Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, tính đến thời điểm này, toàn huyện đã phát triển tới 1.340 ha cây dâu, với hàng nghìn hộ làm nghề chăn tằm, mức thu nhập ở mức cao nhất so với các loại cây trồng khác trên địa bàn. Chủ trương của huyện là khuyến khích các hộ chuyển đổi những loại cây nông nghiệp, cây công nghiệp có thu nhập thấp và nhiều rủi ro như cây điều, cây mía đường… sang trồng dâu tại những vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp. Để tạo điều kiện thực hiện chủ trương này, huyện đã sử dụng nguồn kinh phí phát triển nông thôn, hỗ trợ mỗi héc-ta 5 triệu đồng để chuyển đổi sang loại cây trồng phù hợp. Riêng trong năm 2018, Đạ Tẻh đã có 300 ha cây điều già cỗi, bị dịch bệnh được chuyển sang trồng dâu. Từ 2 xã có nghề truyền thống này là Đạ Pal, Đạ Lây, tới nay diện tích dâu tằm đã mở rộng sang những xã chưa từng làm nghề này như Mỹ Đức, Quốc Oai, Đạ Kho… Ông Nguyễn Ngọc Thư, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức đánh giá, có thể nói dâu là loại cây xoá đói giảm nghèo phù hợp nhất trong thời điểm hiện nay của địa phương. Với tuổi sinh trưởng nhanh, chỉ sau 6 tháng là cây có thể cho thu hái lá, vốn đầu tư ít, xoay vòng nhanh nên phù hợp với người dân địa phương. Với mức thu nhập 200- 250 triệu đồng/ha, chưa có loại cây ngắn ngày nào cho thu nhập cao như vậy. Bởi vậy cho đến thời điểm này, trên địa bàn xã đã phát triển tới trên 210 ha cây dâu. Xã cũng đã thành lập 3 tổ hợp tác dâu tằm với khoảng 550 hộ tham gia, chiếm tới hơn 50% số hộ dân sinh sống trên địa bàn. Để chủ động đầu ra cho sản phẩm, huyện Đạ Tẻh tích cực mời các nhà đầu tư vào địa phương, hiện đã có một doanh nghiệp từ thành phố Bảo Lộc đầu tư 5 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến tơ tằm trên địa bàn xã Mỹ Đức, đến nay cơ bản đã xây dựng xong nhà xưởng, đang lắp ráp máy móc. Nhà máy có công xuất 40 tấn/ngày, với khả năng tiêu thụ tới 350 tấn kén, thu mua hầu hết vùng nguyên liệu của toàn huyện. Còn trước đây, toàn bộ nguyên liệu kén tằm của bà con được các doanh nghiệp chế biến tơ tằm từ thành phố Bảo Lộc tới thu mua, không bao giờ có tình trạng tồn đọng tại địa bàn. Chị Đinh Thị Nhiễu, 39 tuổi, Chủ tịch Hội nông dân xã Đạ Pal, cũng là một trong những hộ theo nghề trồng dâu nuôi tằm cho biết, đây là ngành nghề truyền thống của xã, do những hộ dân từ Nam Định đưa vào trong những năm 1980, khi đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên. Lúc đầu chỉ có một số ít hộ theo nghề, còn bà con trong xã chủ yếu trồng lúa. Nay thấy nghề này có thu nhập cao, nên bà con đã chuyển đổi đến nay lên tới 200 ha, có 99% hộ dân trong toàn xã theo nghề truyền thống này. Nhà nhiều trồng tới 2 ha, nhà ít cũng có 3- 5 sào. Điển hình như là ông Đinh Văn Lùng có 2 bố con, nhưng có tháng nuôi tới 6 hộp giống. Hay hộ gia đình ông Phạm Xuân Thịnh là bí thư chi bộ thôn có 2 lao động, cũng nuôi từ 3- 4 hộp giống mỗi tháng. Mỗi lứa tằm từ khi trứng nở tới khi đóng kén khoảng 25 ngày, mỗi hộp cho thu hoạch tới 50 kg kén với giá thấp nhất 110.000 đồng/kg. Từ một nghề truyền thống đã mai một, tới nay nghề trồng dâu nuôi tằm đang trỗi dậy trên vùng đất khó Đạ Tẻh. Nhiều hộ gia đình trước đây sống bấp bênh từ cây lúa, cây điều, cây mía đường… nay đã vượt qua đói nghèo vươn lên làm giàu. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện này đã giảm 1,3%, hiện chỉ còn 3,4% dân số toàn huyện có thu nhập dưới mức chuẩn nghèo theo quy định. Đạ Tẻh hiện là huyện có diện tích trồng dâu và sản lượng kén tằm bán ra thị trường đứng thứ 2, chỉ đứng sau địa phương nổi tiếng với nghề tằm tơ cả nước là huyện Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng.
Chu Quốc Hùng

Có thể bạn quan tâm