Cộng đồng tham gia giữ màu xanh cho những cánh rừng ở Kon Tum

Cộng đồng tham gia giữ màu xanh cho những cánh rừng ở Kon Tum
Đồng bào dân tộc ở huyện Kon Rẫy tham gia trồng rừng. Ảnh: TTXVN
Đồng bào dân tộc ở huyện Kon Rẫy tham gia trồng rừng. Ảnh: TTXVN

Để bảo vệ rừng, người dân trong làng thành lập các tổ, nhóm tuần tra, bảo vệ rừng. Mỗi nhóm gồm 4 - 5 người, khi đi có sự phối hợp của lực lượng chức năng như Kiểm lâm, chủ rừng. Việc tuần tra được thực hiện thường xuyên, liên tục, luân phiên thay đổi người của các nhóm. Nhờ vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Tu Mơ Rông ngày một tốt hơn. Anh Hoàng Xuân Hiếu, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng xã Tu Mơ Rông (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông) cho biết, tại đây, người lạ, phương tiện cơ giới khi vào rừng đều bị người trong làng giám sát. Mỗi khi có người lạ vào, người dân nghi ngờ đều gọi điện báo cho nhân viên của trạm để giám sát. Nhờ vậy, đơn vị đã kịp thời ngăn chặn việc phá rừng từ gốc.

Những ngày đầu tháng 10, người dân ở các xã trong huyện Tu Mơ Rông được nhận tiền từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Năm nay, nguồn tiền chi trả cho người dân tăng cao hơn mọi năm. Theo đó, mỗi ha rừng người dân tham gia, bảo vệ được chi trả tăng từ 400.000 đồng lên gần 700.000 đồng. Đây là niềm vui, nguồn thu lớn cho cộng đồng và người dân.

A Hét ở làng Tu Cấp, xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ, nguồn tiền từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả đã giúp người dân giải quyết nhiều việc trong làng như sửa chữa nhà rông, tổ chức lễ hội. Người dân có tiền trang trải cuộc sống. Có tiền, người dân đã tích cực hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ đầu năm 2018 đến nay, làng Tu Cấp chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Rừng trên địa bàn làng Tu Cấp ngày một xanh hơn.

Đến nay, toàn huyện Tu Mơ Rông có 29 cộng đồng thôn, làng và 6 nhóm hộ được giao quản lý, bảo vệ gần 9.100 ha rừng. Hiện các chủ rừng đã phát huy tốt nguồn tiền từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Nguồn tiền từ việc tham gia quản lý, bảo vệ rừng giúp cộng đồng được giao khoán có nguồn thu, trang trải cuộc sống. Ông Nguyễn Khắc Sương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông cho biết, cuộc sống đảm bảo, góp phần nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng của người dân. Nhờ vậy, những năm qua, số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng trên huyện đã được hạn chế đến mức thấp nhất.

Theo ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, qua hơn 7 năm triển khai, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần đáng kể vào việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Cụ thể, gần 64% tổng diện tích rừng ở Kon Tum đã được chi trả tiền quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Các chủ rừng, cộng đồng thôn, làng đã có nguồn tài chính ổn định, bền vững để chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó, người dân còn được hưởng lợi từ lâm sản phụ từ rừng như măng, dược liệu. Đến nay, người dân ở các thôn, làng trong tỉnh Kon Tum đã ý thức tốt hơn việc bảo vệ, phát triển rừng. Người dân đã tự giác tham gia tuần tra, kiểm soát bảo vệ, giúp các cánh rừng ở tỉnh Kon Tum ngày một xanh tốt hơn.
          Cao Nguyên

Có thể bạn quan tâm