Chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nông dân vùng ngập lũ Tiền Giang

Chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nông dân vùng ngập lũ Tiền Giang
Ảnh minh họa - TTXVN
Ảnh minh họa - TTXVN

Ban Quản lý Dự án VnSAT phấn đấu từ nay đến cuối năm mở thêm 133 lớp 3 giảm 3 tăng, 248 lớp huấn luyện đồng ruộng (FFS), 59 lớp 1 phải 5 giảm với tổng cộng cả năm có 11.440 nông dân được đào tạo quy trình canh tác 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và FFS trên diện tích canh tác gần 7.600 ha.

Đây được xem là nhân tố đầu tiên trong lộ trình đưa khoa học nông nghiệp đến với nông dân một cách bài bản, tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi sản xuất vùng ngập lũ theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả sản xuất cao và giải quyết tốt đầu ra của hạt lúa hàng hóa theo mô hình liên kết chuỗi chặt chẽ giữa nông dân trong loại hình kinh tế hợp tác – nhà khoa học – nhà nước  - nhà doanh nghiệp.

Để đẩy mạnh việc thực hiện, năm 2017, Ban Quản lý Dự án VnSAT dự kiến đầu tư khoảng 126,5 tỷ đồng cho các nội dung: đào tạo, tập huấn nông dân, xây dựng các điểm trình diễn cũng như các hoạt động hỗ trợ dự án như: đầu tư các gói mua sắm trang thiết bị, hoạt động tư vấn…; trong đó, vốn đối ứng của tỉnh là 17,93 tỷ đồng, vốn ODA trên 90,2 tỷ đồng, vốn trong dân hưởng lợi trên 18,3 tỷ đồng.

Ông Cao Văn Hóa cũng cho biết, Dự án VnaSAT được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ có tổng mức đầu tư trên 15,3 triệu USD, tương đương trên 329 tỷ đồng; trong đó riêng vốn ODA trên 9 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng tỉnh và vốn tư nhân. Dựa vào tình hình thực tế, Ban Quản lý Dự án VnSAT đã chọn 20 xã của 3 huyện, thị nằm trong địa bàn ngập lũ phía Tây: Cái Bè, huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy để triển khai với tổng diện tích tự nhiên vùng dự án trên 27.000 ha.

Mục tiêu Dự án nhằm hỗ trợ trên 41.000 nông hộ chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, giúp tăng lợi nhuận ròng mỗi ha đất sản xuất lên tối thiểu 30%, đồng thời diện tích canh tác lúa gạo bền vững theo hợp đồng với doanh nghiệp khoảng 5.000 ha, chiếm 18% vùng dự án.

Dự kiến trong chu kỳ dự án (2015 – 2020) sẽ có gần 51.000 lượt nông dân được đào tạo, tập huấn về các kỹ thuật canh tác tiên tiến: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, được qua các lớp huấn luyện đồng ruộng (FFS)…Mặt khác, dự án còn hỗ trợ thành lập 26 tổ chức nông dân, hỗ trợ kiến thiết hạ tầng vùng dự án và trang thiết bị sản xuất cần thiết cũng như xây dựng tối thiểu 6 chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm. Do vậy, để dự án thành công thì vai trò liên ngành: nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đoàn thể đặc biệt là Hội Nông dân và các ngành hữu quan rất quan trọng./.
Minh Trí 

Có thể bạn quan tâm