Chung tay cùng đồng bào Tây Bắc

Chung tay cùng đồng bào Tây Bắc
Góp phần xóa đói, giảm nghèo Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, nhờ thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm 4%, số hộ nghèo hiện nay còn 14,9% (theo tiêu chí cũ). Những năm gần đây, vùng Tây Bắc có sự khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, đời sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên cả vật chất và tinh thần.
Chung tay cùng đồng bào Tây Bắc ảnh 1
Mỗi dịp lễ Tết truyền thống dân tộc, bà con đều được cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng quan tâm hỗ trợ quà.
Bữa cơm tối của gia đình anh Lý A Sì, dân tộc Mông ở xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) rộn rã tiếng cười. Theo anh Sì, trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng phải chật vật với từng bữa ăn hàng ngày. Năm 2010, cả hai vợ chồng được Công ty CP cao su II Lai Châu nhận vào làm công nhân và cấp đất, hỗ trợ 30 triệu đồng từ quỹ mái ấm công đoàn để dựng nhà.  Anh Sì bàn bạc với vợ vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) để làm nhà. Ngôi nhà gỗ 3 gian kiên cố, gần đường quốc lộ liên tỉnh nên thuận lợi trong việc đi làm và con cái tới trường. Lúc nông nhàn, vợ anh, chị Sùng Thị Mỷ còn tranh thủ mua vải và phụ kiện để may trang phục dân tộc Mông bán, vì vậy gia đình có của ăn của để giành và lo cho 3 con ăn học. Thu nhập gia đình anh bình quân gần 10 triệu đồng/tháng nên chỉ sau một năm gia đình đã trả được nợ và có tiền mua sắm các vật dụng trong nhà như: Xe máy, tivi, máy khâu…  Chị Phàn Thị Thủy, dân tộc Dao ở thôn Sủng Khể, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) là tấm gương vươn lên thoát nghèo để chị em phụ nữ trong thôn học hỏi. Lập gia đình năm 1986, đời sống hai vợ chồng chị Thủy rất khó khăn vì chỉ quẩn quanh với mấy sào ruộng, bước vào mùa giáp hạn là thiếu đói 2 - 3 tháng. Chị luôn trăn trở và nghĩ cách để làm kinh tế vươn lên thoát nghèo, có điều kiện nuôi con cái ăn học.  Năm 2000, thông qua tổ chức Hội Phụ nữ, chị Thủy mạnh dạn vay 10 triệu đồng vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH để đầu tư mua 2 con bò sinh sản. Nhờ tính chịu thương chịu khó, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi nên bò nhà chị phát triển tốt, mỗi năm sinh sản thêm 2 con bê. Trả xong nợ cũ, từ năm 2003 đến năm 2013, chị Thủy tiếp tục vay 52 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư trồng 15 ha cây sa nhân và mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Tổng thu nhập từ các nguồn của gia đình hiện nay là 300.000 triệu đồng/năm. Chị Thủy cho biết: “Với sự phấn đấu của tôi và chồng con, điều kiện kinh tế gia đình ngày một khá giả. Tôi đã xây được nhà ở kiên cố và mua sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ cuộc sống”.
Chung tay cùng đồng bào Tây Bắc ảnh 2
Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nghị lực vươn lên làm kinh tế, gia đình anh Lý A Sì đã no ấm.
Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, từ năm 2009 đến nay, đơn vị đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như: Hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội, giao lưu với các chủ đề “Chung tay cùng Tây Bắc và các huyện nghèo”, “Góp sức cùng đồng bào Tây Bắc”… Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, hưởng ứng sự kêu gọi, vận động của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và một số thành phố lớn đã cam kết hỗ trợ gần 1.700 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngành ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ vượt mức cam kết với tổng số tiền trên 1.100 tỷ đồng giúp các tỉnh trong vùng nơi có đông đồng bào nghèo phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã tham gia hỗ trợ đồng bào nghèo về sinh kế, tổ chức các lớp học nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy sản cho người dân các địa phương vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, Thủy điện Hòa Bình... Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trương ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc khẳng định: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội; cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất của nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đồng bào nghèo vùng Tây Bắc đã có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo”.Huy động doanh nghiệp Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo (Chương trình 30a). Các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, mỗi đơn vị nhận hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất một huyện nghèo, Chính phủ đã phân công hầu hết các doanh nghiệp mạnh của Trung ương nhận “đỡ đầu” cho các huyện nghèo. 
“Giai đoạn 2011 - 2015, Nhà nước đã ban hành 181 chính sách tác động trực tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó vùng Tây Bắc là một trong các vùng trọng điểm được hưởng lợi từ những chính sách đó. Hệ thống chính sách ngày càng phủ kín các lĩnh vực, địa bàn, có tính toàn diện. Kết quả thực hiện chính sách dân tộc góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao hiệu quả an sinh xã hội”. 

Ông Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
Riêng đối với vùng Tây Bắc, 43/43 huyện nghèo trong vùng đã được các doanh nghiệp nhận hỗ trợ, cam kết đến năm 2020 với tổng số tiền là 2.114,58 tỷ đồng (chiếm 87,4% tổng số tiền doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho 62 huyện nghèo của cả nước). Nguồn lực trên được hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực như: Xây dựng nhà ở, trường học, trạm y tế xã, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên cử tuyển; đào tạo nghề, nhận lao động địa phương vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn; đầu tư cơ sở y tế và các cơ sở hạ tầng xã hội... Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Hầu A Lềnh cho rằng: “Để xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo tiền đề cho vùng Tây Bắc phát triển thì công tác an sinh xã hội cần được tiếp tục quan tâm kể cả nguồn lực và hiệu quả”. “Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội đối với vùng Tây Bắc, cùng với những nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, cần có những giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài”, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Hầu A Lềnh khẳng định. Cũng theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Hầu A Lềnh, thời gian tới sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, nhân rộng trong toàn xã hội sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong công tác an sinh xã hội cho vùng nghèo, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có hình thức vinh danh, khen thưởng, ghi nhận, động viên kịp thời đối với các tổ chức và cá nhân làm tốt công tác an sinh xã hội. Tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả an sinh xã hội vùng Tây Bắc” do Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy Ban Dân tộc tổ chức mới đây tại tỉnh Yên Bái, các đại biểu cho rằng: Các địa phương vùng Tây Bắc cần có chính sách quyết liệt hơn để mở đường cho doanh nghiệp lên đầu tư, tạo việc làm thường xuyên, tăng thu nhập cho người dân. Từ đó, giúp bà con dân tộc thay đổi phương thức sản xuất tự cung tự cấp sang hướng sản xuất hàng hóa, để họ ổn canh ổn cư, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Đặc biệt, từ lợi nhuận thu được, các doanh nghiệp sẽ trích quỹ an sinh xã hội để hỗ trợ đời sống và giúp đồng bào dân tộc vươn lên làm kinh tế thoát nghèo. Để phối hợp, chỉ đạo có hiệu quả công tác an sinh xã hội trong vùng, Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ phối hợp với các tỉnh và các cơ quan có liên quan nắm bắt thông tin về doanh nghiệp, giám sát, kiểm tra, rà soát việc thực hiện cam kết của các đơn vị về gói tài trợ an sinh xã hội. Qua đó, Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng cam kết.

Ông Dương Quyết Thắng,Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam: 

Tích cực cho vay khắc phục thiệt hại thiên tai 

Trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại các địa phương vùng Tây Bắc đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội trong vùng. Từ năm 2009 đến tháng 5/2016, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Bắc với doanh số cho vay đạt 56.513 tỷ đồng. Với những diễn biến phức tạp của thời tiết, người dân luôn phải gánh chịu ảnh hưởng tiêu cực như: Bão lũ, rét đậm, rét hại, mưa tuyết, sạt lở… Sau những đợt xảy ra thiên tai, ban lãnh đạo NHCSXH đã nhanh chóng chỉ đạo tổng hợp thiệt hại rủi ro vốn vay tín dụng chính sách tại địa phương để trình cấp có thẩm quyền xử lý. Đặc biệt, kịp thời bổ sung nguồn vốn cho vay khắc phục thiệt hại để giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khôi phục sản xuất và ổn định đời sống. Trong thời gian tới, ngoài nhiệm vụ được Chính phủ giao, các tổ chức đoàn thể của NHCSXH sẽ luôn chú trọng thực hiện công tác an sinh xã hội dưới nhiều hình thức, nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Xây dựng trường học, xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, tặng quà Tết cho người nghèo, chăn ấm vùng biên…

Ông Vũ Ngọc Vương, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay (Điện Biên):

Đời sống người dân ngày một nâng cao. Thị xã Mường Lay (Điện Biên) có 11.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Thời gian qua được Đảng và Nhà nước quan tâm, thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc nên đời sống của người dân ngày một nâng cao cả vật chất và tinh thần. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 5%, thu nhập bình quân đầu người là 22 triệu đồng/năm (năm 2006 là 6 triệu đồng/năm). Cơ sở hạ tầng của thị xã được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ và hiệu quả, phục vụ tốt công tác an sinh xã hội cho người dân. Hiện nay, người dân một số cụm dân cư còn khó khăn về đất sản xuất. Chính quyền sẽ tiếp tục khai hoang để cấp đất sản xuất cho các hộ dân và đầu tư công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, nâng cao năng suất cây trồng. Mục tiêu đặt ra là giúp người dân bảo đảm được nguồn lương thực và ổn định đời sống. Tích cực hỗ trợ đào tạo nghề và vay vốn để người dân chuyển đổi nghề, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Ông Lò Văn Sặng, bản Phiêng Nèn 2, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La): 

Người dân được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Năm 2009, gia đình tôi được vay từ vốn hỗ trợ của NHCSXH 50 triệu đồng, cộng với tiền tích góp để làm nhà sàn 3 gian. Có ngôi nhà kiên cố, ổn định đời sống, vợ chồng tôi đầu tư chăn nuôi lợn, gà nên chỉ 2 năm sau đã trả được khoản vay. Người dân được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ, hệ thống điện - đường - trường - trạm được xây dựng khang trang, kiên cố. Các hộ gia đình được hỗ trợ học nghề trồng nấm và hiện có nhiều nhà đang phát triển nghề này rất tốt. Bản Phiêng Nèn 2 có 77 hộ, năm 2009 có 8 hộ nghèo, đến nay đã không còn hộ nghèo, đời sống của người dân được nâng cao, an ninh trật tự tốt… 

Có thể bạn quan tâm