Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Chủ động tham gia truyền bá kiến thức lịch sử, giáo dục truyền thống dân tộc

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Chủ động tham gia truyền bá kiến thức lịch sử, giáo dục truyền thống dân tộc

Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trân trọng trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Nhân dịp này, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, lịch sử luôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội và trong sự phát triển của đất nước. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nửa thế kỷ qua đã tập hợp, đoàn kết giới sử học cả nước, liên kết với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo sử học, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học lịch sử Việt Nam và đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn. 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao việc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tích cực triển khai các giải pháp đổi mới nền sử học nước nhà, tập hợp rộng rãi các nhà nghiên cứu công tác trên lĩnh vực khoa học lịch sử và những khoa học liên quan. Hội tăng cường phổ biến tri thức lịch sử góp phần giáo dục truyền thống dân tộc, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa; thực hiện chức năng tư vấn, phản biện xã hội đối với các công trình và dự án liên quan đến sử học, văn hóa dân tộc; đóng góp nhiều ý kiến về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa cũng như phương pháp dạy và học môn lịch sử… Đặc biệt, Hội đang tập trung biên soạn bộ “Lịch sử Việt Nam“ gồm 25 tập thông sử và 5 tập biên niên sự kiện, phản ánh những kết quả nghiên cứu mới nhất ở trong nước và tiếp thu có chọn lọc những kết quả nghiên cứu quốc tế. Bộ Quốc sử mang tính tập đại thành này sau khi hoàn thành sẽ là một công trình sử học xứng đáng với tầm vóc thời đại Hồ Chí Minh. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, công cuộc đổi mới trong hơn 30 năm qua đã được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo ra những cơ sở quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và giới sử học cả nước, với truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu đã tích lũy được trong 50 năm qua, tiếp tục phát huy tính tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới khoa học lịch sử, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Chủ động tham gia truyền bá kiến thức lịch sử, giáo dục truyền thống dân tộc ảnh 4
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ động tham gia truyền bá kiến thức lịch sử và giáo dục truyền thống dân tộc để mọi người đều có nhận thức đúng là kiến thức lịch sử không phải chỉ dành cho những nhà sử học và những người muốn trở thành các nhà sử học, mà cần thiết cho mọi người, mọi giới, bao gồm cả các nhà quản lý. Hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục môn lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống, xây dựng nhân cách, bản lĩnh cho thế hệ trẻ. Hội cần làm tốt chức năng tư vấn, phản biện xã hội đối với việc bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo quốc tế về các sự kiện, nhân vật lịch sử, chủ quyền biển, đảo... nhằm khẳng định vai trò, tiếng nói của giới sử học Việt Nam trên diễn đàn sử học quốc tế và quan hệ giao lưu, hợp tác với các nền sử học trên thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đại biểu tham dự buổi lễ.
Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hiện có 59 hội và chi hội thành viên (33 hội cấp tỉnh/thành phố, 4 hội chuyên ngành và 22 chi hội của các cơ quan nghiên cứu, đào tạo sử học Trung ương), với trên 5.200 hội viên. Hội tập hợp giới sử học cả nước, liên kết chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo sử học, thông qua các hội thảo khoa học, diễn đàn sử học, tổ chức đề tài nghiên cứu khoa học để định hướng và đẩy mạnh sự phát triển của nền sử học Việt Nam. 

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hiện phát triển theo hướng tập hợp rộng rãi những nhà khoa học trên các lĩnh vực của khoa học lịch sử và các ngành liên quan, đoàn kết giới sử học cả nước nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam, phổ biến kiến thức lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống dân tộc, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định khoa học đối với các công trình, dự án liên quan đến sử học và văn hóa dân tộc, mở rộng quan hệ hợp tác với giới sử học quốc tế. 
Đức Dũng

Có thể bạn quan tâm