Chàng sinh viên Vàng A Mẻ say mê nghiên cứu khoa học

Chàng sinh viên Vàng A Mẻ say mê nghiên cứu khoa học
Đề tài "Điều tra thành phần loài cây thuốc bản địa và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của cộng đồng dân tộc Mông tại xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La" của Vàng A Mể đã giành giải Nhất “Sinh viên nghiên cứu khoa học” toàn quốc năm 2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
Đề tài "Điều tra thành phần loài cây thuốc bản địa và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của cộng đồng dân tộc Mông tại xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La" của Vàng A Mể đã giành giải Nhất “Sinh viên nghiên cứu khoa học” toàn quốc năm 2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN

Sinh ra và lớn lên ở một bản dân tộc Mông tại xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, từ nhỏ Vàng A Mẻ đã được làm quen với các cây thuốc bản địa. Khi còn là học sinh trung học cơ sở trong một lần đi làm nương bị dao phát vào chân, nhờ những cây thuốc dân tộc mà vết thương của Vàng A Mẻ đã kịp thời được cầm máu, Mẻ đã thoát chết. Kể từ đó, mỗi lần đi nương, Mẻ đều tranh thủ tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của ông bà, bố mẹ mình.

Năm 2014, Mẻ quyết tâm thi và đỗ vào Khoa Nông - Lâm của trường Đại học Tây Bắc (tỉnh Sơn La). Với thành tích học tập xuất sắc, năm học 2015 - 2016, Mẻ được giao thực hiện đề tài nghiên cứu cấp trường với nội dung "Điều tra thành phần loài cây thuốc bản địa và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của cộng đồng dân tộc Mông tại xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La". Đề tài có mục đích làm cơ sở bước đầu trong việc định hướng bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc bản địa.

Mẻ chia sẻ, khoảng thời gian thực hiện đề tài với em có rất nhiều kỷ niệm. Có hôm em phải đi bộ hàng chục km đường rừng mới tìm được một cây thuốc quý nhưng do không có dụng cụ cắt nhánh nên đến lúc mang nhánh cây thuốc về nhà thì cây thuốc đã bị khô, không nhân giống được. Song cũng có lúc Mẻ cảm thấy rất vui vì đã  giúp được một người dân cầm máu vết thương kịp thời bằng chính cây thuốc và bài thuốc bản địa mà mình đang thực hiện đề tài. Năm 2017, ý tưởng khởi nghiệp từ cây thuốc bản địa của Vàng A Mẻ đã đoạt giải Nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp" do trường Đại học Tây Bắc tổ chức. 

Ngoài học tập, Vàng A Mẻ tích cực trao đổi với cô giáo về phương pháp nhân giống cây thuốc hiệu quả. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN
Ngoài học tập, Vàng A Mẻ tích cực trao đổi với cô giáo về phương pháp nhân giống cây thuốc hiệu quả. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN

Cô Hoàng Thị Thanh Hà, trưởng Bộ môn Nông học, khoa Nông - Lâm của trường Đại học Tây Bắc đánh giá, đề tài nghiên cứu của sinh viên Vàng A Mẻ thể hiện được tính tích cực tìm tòi, khả năng ứng dụng trong thực tiễn và hiệu quả kinh tế xã hội. Xây dựng mô hình vườn thuốc gắn liền với bảo vệ rừng bền vững là xu thế đang phát triển. Nếu được hiện thực hóa, đề tài này sẽ giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động tại địa phương, vừa giảm thiểu tình trạng khai thác trái phép nguồn tài nguyên cây thuốc bản địa vừa tạo kinh tế, thu nhập cho người dân.

Cô Hà chính là người đã cho Mẻ mượn một khoảng vườn trong sân nhà của mình để  em thực hiện nhân giống cây thuốc bản địa. Hàng tuần, ngoài việc học tập ở trường, Mẻ dành thời gian để chăm sóc vườn cây giống và trao đổi với cô giáo về phương pháp nhân giống các loại cây thuốc, đặc biệt là cây ngũ gia bì gai sao cho hiệu quả. Theo Vàng A Mẻ, ngũ gia bì gai là cây thuốc quý hiếm nằm trong danh mục thực vật "bị đe dọa" trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007. Ngũ gia bì gai có vỏ thân và rễ làm thuốc bổ, có tác dụng kích thích tiêu hoá, chống đau nhức xương khớp; lá khô dùng làm trà uống, lá tươi bó gãy xương.

Về dự định sắp tới, Mẻ cho biết, sau khi ra trường, em sẽ trở về quê để hiện thực hóa đề tài nghiên cứu và ý tưởng khởi nghiệp từ cây thuốc bản địa. Em và các bạn sẽ thành lập hợp tác xã cung cấp cây giống, thu mua cây trồng, chế biến thành phẩm và phân phối cho các nhà thuốc đông y. Mẻ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu về thành phần loài cây thuốc bản địa và ghi chép kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của cộng đồng dân tộc Mông. Em hy vọng sẽ cùng người dân phát triển  được vùng dược liệu bản địa, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, gắn phát triển kinh tế với sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Diệp Anh

Có thể bạn quan tâm