Cầu nối chính sách với hộ nghèo

Cầu nối chính sách với hộ nghèo
Trong ngôi nhà vững chãi, với đầy đủ các vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt như ti vi, xe máy; ông Ẩn phấn khởi chia sẻ: "Gia đình tôi có được như ngày hôm nay, phần lớn cũng là nhờ vào nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Đà Bắc, đây thực sự là động lực để gia đình phấn đấu có cuộc sống ổn định hơn".
Năm 2013, gia đình ông Ẩn được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Có nguồn vốn, lại được sự hướng dẫn của cán bộ tín dụng ngân hàng và cán bộ khuyến nông, gia đình ông Ẩn đã mua 1 con trâu sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, nên sau 2 năm, trâu đã sinh nghé, bán trâu con được hơn 20 triệu đồng, ông Ẩn dùng khoản tiền thu được để đầu tư vào xây dựng chuồng trại, mua thêm nghé về nuôi. Bên cạnh đó, ông Ẩn còn mua giống dong giềng về trồng xen cạnh với cây ngô. Mỗi năm, ông thu về trên 1 tấn ngô hạt và gần chục tấn dong giềng. Từ chăn nuôi và trồng trọt, mỗi năm gia đình ông Ẩn cũng có được khoản thu nhập trên 100 triệu đồng.
 
Cầu nối chính sách với hộ nghèo ảnh 1
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Đà Bắc, Nguyễn Đình Hoàng xuống
địa bàn phổ biến các chương trình vay vốn cho đồng bào.

Gia đình ông Ẩn là một trong nhiều hộ của xã Cao Sơn, cùng với các hộ ông Bùi Văn Ngọc, ông Đinh Văn Huyền, bà Lường Thị Định… sử dụng tốt vốn vay để phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Đà Bắc, ông Nguyễn Đình Hoàng, cho biết: Trên địa bàn huyện, ngân hàng thực hiện 13 chương trình tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ đạt trên 230 tỷ đồng, với 9.500 hộ vay. Cùng với việc thẩm định giải ngân cho vay kịp thời vốn ưu đãi, NHCSXH còn phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn vận động người dân sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, nợ quá hạn toàn huyện chỉ chiếm 0,18% tổng dư nợ.
 
Cầu nối chính sách với hộ nghèo ảnh 2
Đồng bào đến tìm hiểu vốn vay NHCSXH.

Những năm qua, NHCSXH được coi là “bà đỡ” của nhiều hộ nghèo ở các xã, nguồn vốn vay giúp hàng trăm hộ dân nơi đây vượt qua khó khăn, nâng cao đời sống. Ông Nguyễn Đình Hoàng, cho biết thêm: Đà Bắc có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, một trong những nguyên nhân là thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Với cơ chế tạo thuận lợi, thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi, trong những năm qua, nguồn vốn cho vay ưu đãi đã được ngân hàng giải ngân kịp thời đến hộ nghèo. Nguồn vốn này đã tích cực hỗ trợ các gia đình nghèo khắc phục khó khăn, từng bước ổn định đời sống.
Cầu nối chính sách với hộ nghèo ảnh 3
Đổi thay ở xã Cao Sơn.

Một trong những “mắt xích” quan trọng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ ủy thác là thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn. Tổ tiết kiệm vay vốn cũng là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, tăng tính tương trợ giữa khách hàng với khách hàng, giữa khách hàng và ngân hàng.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, NHCSXH Đà Bắc đã bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện; phối hợp với các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng của huyện, các tổ chức đoàn thể địa phương trong lồng ghép chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn cách sản xuất, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao. Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi là tạo cơ hội cho hàng nghìn hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, cũng nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Đà Bắc giảm bình quân từ 5 - 7%.

Có thể bạn quan tâm