Cảnh báo không nên chặt cây khác để trồng chuối cấy mô vào thời điểm này

Cảnh báo không nên chặt cây khác để trồng chuối cấy mô vào thời điểm này
Nhiều vườn chuối đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch đã được thương lái bao tiêu từ khi còn non. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN
Nhiều vườn chuối đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch đã được thương lái bao tiêu từ khi còn non. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN

Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Huỳnh Thanh Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai về vấn đề trên.

Ông có thể cho biết vấn đề quy hoạch cây chuối và diện tích trồng chuối hiện nay ở Đồng Nai ?

* Đồng Nai hiện đang là địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất cả nước với 7.000 ha; trong đó, riêng chuối già hương cấy mô có diện tích khoảng 650 ha. Chuối già hương cấy mô là loại chuối có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc) được nhập vào Việt Nam và sau đó được người dân nhân giống trồng đại trà.

Chuối già hương cấy mô được trồng ở Đồng Nai vào năm 2016. Thời điểm này tổng diện tích trồng loại chuối này khoảng 100ha. Nhưng đến nay, diện tích chuối già hương cấy mô đã lên đến 650ha, đã vượt quy hoạch diện tích trồng chuối già hương cấy mô của Đồng Nai.

Đặc điểm của loài chuối già hương cấy mô khác với các loài chuối khác như chuối bom, chuối sứ. Đối với loại chuối già hương cấy mô chỉ để dùng ăn tươi chứ không chế biến.

Trong khi đó, hiện nay với diện tích 650ha trồng chuối già hương cấy mô, chủ yếu chỉ phục vụ cho thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc và hiện nay cung đã vượt cầu so với thị trường.

Chuối được vận chuyển lên xe mang đi tiêu thụ. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN
Chuối được vận chuyển lên xe mang đi tiêu thụ. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN

Xin ông cho biết, tại sao từ năm 2016 đến nay, diện tích trồng chuối già hương cấy mô lại tăng nhanh như vậy ở Đồng Nai ?

* Năm 2016 khi mới thử nghiệm trồng chuối già hương cấy mô, kết quả năng suất loài chuối này rất cao, đạt khoảng 50 tấn/ha. Thời điểm này, thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu tiêu thụ và thương lái thu mua với giá cao, từ 15.000 – 17.000 đồng/kg.

Thấy được lợi nhuận cao hơn so với các loại cây trồng khác, do đó người dân đã ồ ạt trồng chuối già hương cấy mô và hiện đã tăng diện tích gấp hơn 6 lần so với năm trước. Mặt khác, do đặc điểm của loài chuối này dễ trồng và phù hợp khi trồng vào đầu mùa mưa. Đến 10 tháng sau, chuối bắt đầu chín đồng loạt. Lúc này thị trường Trung Quốc ngừng nhập, thương lái không thu mua dẫn đến giá chuối giảm, người dân thiệt hại nặng nề.

Chính vì lý do này, mùa vụ năm 2017, chuối già hương đã giảm xuống dưới 2.000 đồng/kg nên tỉnh Đồng Nai đã phải thực hiện các cuộc “giải cứu”, giúp nông dân tiêu thụ chuối.

Ông có thể cho biết, nguyên nhân khiến giá chuối tăng cao, có đợt tăng trên 18.000 đồng/kg vào những ngày qua ?

* Năm nay, do điều kiện thiên nhiên, nguồn cung chuối tại Trung Quốc không đáp ứng được nhu cầu. Do đó, thời gian qua thương lái tập trung về Đồng Nai thu gom mua chuối của người dân để xuất bán sang thị trường Trung Quốc với giá cao.

Vấn đề đặt ra là do chúng ta quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích trồng chuối già hương cấy mô. Chúng ta nên tiếp tục duy trì diện tích cũ, trên cơ sở áp dụng kỹ thuật và chăm bón tốt. Vì thị trường Trung Quốc một khi cung đã đủ cầu thì chuối của người dân sẽ rất khó tiêu thụ. Đối với rau quả, chúng ta đều xuất qua đường tiểu ngạch, do đó lúc nào cần thì đối tác họ mua, còn không cần thì phía đối tác họ ngưng, lúc này người nông dân sẽ bị thiệt hại do không tiêu thụ được.
Nhiều vườn chuối đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch đã được thương lái bao tiêu từ khi còn non. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN
Nhiều vườn chuối đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch đã được thương lái bao tiêu từ khi còn non. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN

Thời gian gần đây có hiện tượng người dân chặt bỏ vườn tiêu và các loại cây trồng khác như cây điều để trồng chuối già hương cấy mô. Ông có nhận định gì đối với việc làm này của nông dân ?

* Đối với cây tiêu, theo quy hoạch của tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, trên địa bàn chỉ phát triển khoảng 9.000 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay diện tích trồng tiêu đã tăng lên gấp đôi, khoảng 18.000ha. Nguyên nhân tăng diện tích trồng tiêu là do những năm trước giá tiêu tăng cao, có thời điểm đạt khoảng 180.000 – 200.000 đồng/kg. Nhưng đến nay, giá tiêu chỉ còn khoảng 60.000 đồng/kg. Chính vì lý do dư thừa nguồn cung, diện tích phát triển vượt gấp đôi quy hoạch mà đến nay người nông dân lại chặt bỏ cây tiêu và chạy theo cây chuối.

Chúng tôi khuyến cáo nông dân chỉ thay đổi cơ cấu cây trồng, chỉ mở rộng diện tích trồng chuối khi nào có hợp đồng cụ thể đối với phía đối tác. Vì diện tích trồng chuối già hương cấy mô của cả nước nói chung và của Đồng Nai nói riêng, hiện nay cung đã vượt cầu.

Vì đây là loại chuối chỉ ăn tươi chứ không sử dụng để chế biến, do đó một khi nguồn cung lớn thì thị trường sẽ không thể tiêu thụ hết, trong khi các cơ sở chế biến chuối lại không sử dụng sản phẩm chuối già hương cấy mô này.

Với vai trò là người đứng đầu ngành nông nghiệp của Đồng Nai, ông có khuyến cáo và định hướng gì trong việc phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn ?

* Ngành nông nghiệp Đồng Nai chúng tôi cũng đã có kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cần có định hướng ở tầm vĩ mô bằng việc liên hệ với thị trường các nước và không chỉ riêng sản phẩm chuối mà các nông sản khác để đảm bảo được cung cầu của thị trường nhằm tiêu thụ nông sản cho người dân. Vì hiện nay, khâu tiêu thụ được xem là sống còn của ngành nông nghiệp.

Việc này Bộ Nông nghiệp có thể kiến nghị với Chính phủ để giao trách nhiệm đối với các tham tán thương mại ở các nước, tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của người bản xứ, thời điểm nào thì họ tiêu thụ sản phẩm gì. Từ đó, Bộ Nông nghiệp có thể điều hành và khuyến nghị những địa phương nào trồng cây gì, nuôi con gì.

Đối với trách nhiệm của ngành nông nghiệp ở địa phương, hiện nay, chúng tôi tập trung vào việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất những loại cây trồng vật nuôi chủ lực, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia với người nông dân để xây dựng các liên kết chuỗi từ sản xuất đến khâu tiêu thụ. Việc này giúp thúc đẩy sản xuất tập trung và tạo ra sản phẩm đồng đều, đồng thời đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, người nông dân sẽ an tâm sản xuất vì có đầu ra tiêu thụ ổn định.

Riêng đối với cây chuối, nông dân chỉ mở rộng diện tích khi nào có các hợp đồng với đối tác. Còn hiện nay, người dân không nên chặt cây này, cây kia để mở rộng diện tích trồng chuối.

Xin cảm ơn ông.
Sỹ Tuyên

Có thể bạn quan tâm