Cần Thơ phát triển 180 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả

Cần Thơ phát triển 180 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả
Hợp tác xã Hiếu Bình, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ liên kết với Công ty giống cây trồng Thái Bình sản xuất 170 ha lúa giống đạt lợi nhuận tăng 75% so với phương pháp sản xuất truyền thống. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN
Hợp tác xã Hiếu Bình, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ liên kết với Công ty giống cây trồng Thái Bình sản xuất 170 ha lúa giống đạt lợi nhuận  tăng 75% so với phương pháp sản xuất truyền thống. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN
Theo đó, chượng trình nhằm mục tiêu góp phần nâng cao hiệu quả Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Đối với những hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, chương trình sẽ tập trung tư vấn, hỗ trợ hợp tác xã rà soát, bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ, nâng cao chất lượng phương án sản xuất kinh doanh, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, các hợp tác xã này cũng sẽ được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và vốn vay tín dụng. Ngoài ra, chương trình tập trung triển khai việc xây dựng các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và phấn đấu đến năm 2020, Cần Thơ có trên 20 hợp tác xã hoạt động theo mô hình này. Đồng thời 20 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động yếu kém sẽ được nâng cao chất lượng để đạt tiêu chí hiệu quả. Đối với các hợp tác xã đã ngừng hoạt động sẽ được giải thể dứt điểm; thành lập mới và tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả gắn với lựa chọn các ngành hàng chủ lực của từng lĩnh vực để thúc đẩy thành lập hợp tác xã chuyên ngành. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, chương trình tập trung sản xuất lúa gạo chất lượng cao ở các cánh đồng lớn thuộc các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai; cải tạo lại vùng chuyên canh cây ăn trái ở huyện Phong Điền kết hợp với du lịch sinh thái; chuyển diện tích đất lúa tại quận Bình Thủy và quận Cái Răng sang canh tác rau màu và cây cảnh. Song song với đó, thành lập mới các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của những hợp tác xã chuyên sản xuất rau, quả an toàn nhằm từng bước hình thành chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn; các hợp tác xã cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh cũng sẽ được phát triển để tạo vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến. Hiện nay, Cần Thơ có 120 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó có 30 hợp tác xã đang chờ giải thể. Để hoàn thành mục tiêu trên, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, đây là nhiệm vụ khó khăn và trước mắt Chi cục Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ phải phối hợp với Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã cùng phòng kinh tế, phòng nông nghiệp các quận, huyện xác định các tổ hợp tác đủ điều kiện để củng cố, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác này phát triển thành hợp tác xã. Ông Hè cũng đề nghị các đơn vị liên quan có kế hoạch cụ thể để vận động những hợp tác xã có cùng lĩnh vực, ngành nghề hoạt động thành lập các Liên hiệp hợp tác xã với mỗi Liên hiệp có ít nhất 3 hợp tác xã. Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Trương Quang Hoài Nam cho rằng, hợp tác xã là để phục vụ cho người dân nên cần có kế hoạch, chính sách cụ thể và Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phải làm rõ những chính sách có thể áp dụng đối với việc phát triển các hợp tác xã trên địa bàn.
Thanh Liêm

Có thể bạn quan tâm