Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh):

Can thiệp thành công cho bệnh nhi mắc hội chứng Cushing hiếm gặp

Can thiệp thành công cho bệnh nhi mắc hội chứng Cushing hiếm gặp
Bệnh nhi P.T.P ( 11 tuổi, ngụ tỉnh Đăk Lăk) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng thừa cân béo phì (cân nặng khoảng 50 kg), rậm lông, rạn da, huyết áp cao bất thường. Khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhi cho biết, bé bắt đầu có dấu hiệu tăng cân không kiểm soát từ 3 năm trước nhưng đi khám bệnh nhiều nơi các bác sỹ chỉ chẩn đoán là béo phì.
Bệnh nhi sau khi phẫu thuật bóc u tuyến thượng thận. Ảnh: Phương Vy - TTXVN
Bệnh nhi sau khi phẫu thuật bóc u tuyến thượng thận. Ảnh: Phương Vy - TTXVN
Sau khi thực hiện một số xét nghiệm, các bác sỹ xác định, bệnh nhi bị tăng sinh các khối u hai bên tuyến thượng thận, gây nên hội chứng Cushing. Hội chứng Cushing là một tình trạng xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với liều lượng cao hormone cortisol trong một thời gian dài.

Hội chứng Cushing gây nên bướu béo giữa vai; mặt, ngực, lưng mập nhưng tay chân yếu; lông mọc nhiều; dễ cáu gắt… Hội chứng Cushing có thể dẫn đến huyết áp cao, loãng xương và mắc bệnh tiểu đường.
 
Theo Bác sỹ Trần Thị Hương, nếu như không phẫu thuật cắt bỏ các khối u ở tuyến thượng thận thì nơi đây sẽ tăng tiết nhiều chất cortisol khiến tình trạng béo phì, loãng xương, cao huyết áp của bệnh nhi ngày một tăng. Nguy hiểm hơn, bệnh nhi có nguy cơ bị rối loạn tâm thần.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe của bệnh nhi sau khi phẫu thuật bóc u tuyến thượng thận. Ảnh: Phương Vy – TTXVN
Bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe của bệnh nhi sau khi
phẫu thuật bóc u tuyến thượng thận. Ảnh: Phương Vy –
TTXVN
Còn Bác sỹ Đinh Việt Hưng, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1- người thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi cho hay, việc tiếp cận tuyến đường thận gặp nhiều khó khăn do thành bụng bệnh nhi quá dày, không thể mổ hở. Vì thế, ngày 15/9, các bác sỹ đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ các khối u tuyến thượng thận cho bệnh nhi bằng phương pháp nội soi.

“Khó nhất là làm sao kiểm soát được huyết áp của bệnh nhi trên bàn mổ. Bên cạnh đó, các nguy cơ rối loạn nhịp tim, rối loạn nội tiết, suy thượng thận cấp cũng đe dọa trong quá trình mổ nên chúng tôi buộc phải thực hiện phẫu thuật một cách cẩn trọng nhất”, Bác sỹ Đinh Việt Hưng chia sẻ.
 
Sau 3 ngày được phẫu thuật, hiện bệnh nhi đã tỉnh táo, ăn uống bình thường, huyết áp được kiểm soát ổn định nhưng vẫn cần được tiếp tục theo dõi trong thời gian dài./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm