Cần có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Tây Bắc

Cần có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Tây Bắc
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

7 tháng năm 2017, kinh tế trên địa bàn 14 tỉnh Tây Bắc phát triển ổn định. Tổng sản phẩm toàn vùng tăng hơn 6% so với cùng kỳ, thu ngân sách trên địa bàn được trên 18,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; chi ngân sách Nhà nước gần 54 nghìn tỷ, bằng 59% kế hoạch năm. Hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai có hiệu quả, tạo động lực phát triển của từng địa phương. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội  được đảm bảo, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững.

Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là xây dựng nông thôn mới, phát triển giao thông, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp... Trong 7 tháng đầu năm, Tây Bắc bị thiệt hại nặng vì thiên tai, 62 người chết và mất tích, 24 người bị thương, nhiều đất sản xuất, công trình công cộng, nhà ở bị cuốn trôi, thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế vùng, trong đó tập trung vào vấn đề phát triển giao thông vùng Tây Bắc. Vì giao thông quá khó khăn nên các thế mạnh của vùng là phát triển nông lâm nghiệp, du lịch chưa được khai thác hiệu quả. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra giải pháp phát triển kinh tế cho vùng Tây Bắc bằng chủ trương phát triển chăn nuôi và xây dựng thương hiệu thịt bò của người dân tộc Mông. Hiện nay, Dự án “Ứng dụng công nghệ phát triển thịt bò chất lượng cao thành hàng hóa theo chuỗi giá trị ở miền núi phía Bắc” trị giá 64 tỷ đồng do Bộ này hỗ trợ đang chuẩn bị đầu tư tại tỉnh Bắc Kạn. Đại biểu tỉnh Phú Thọ nêu ý kiến việc phát triển các công trình thủy điện ở đầu nguồn cần được nghiên cứu kỹ, đồng thời có giải pháp kiểm soát hữu hiệu ảnh hưởng của nó đến đời sống người dân.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Tại hội nghị, các tỉnh Yên Bái, Sơn La báo cáo tình hình thiệt hại do mưa lũ cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc báo cáo Trung ương sớm có giải pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và sản xuất, trong đó khó khăn nhất là việc tìm quỹ đất an toàn để di dời những hộ dân sống trong vùng nguy cơ bị thiên tai, sạt lở, lũ quét.

Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình ghi nhận những kiến, kiến nghị của các tỉnh, các ý kiến này sẽ được Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc trình Bộ Chính trị xem xét giải quyết. Đồng thời, lưu ý các tỉnh cần khẩn trương huy động nguồn lực, vận động nhân dân cùng chia sẻ giúp người dân vùng thiên tai vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình đề nghị các tỉnh Tây Bắc cần nghiên cứu, đưa ra những cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư. Các tỉnh cần nghiên cứu và đề xuất các ý kiến về tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở miền núi sao cho phù hợp nhu cầu thực tiễn, tránh lãng phí và thiếu hiệu quả; cải cách hành chính cần phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, tránh rập khuôn, máy móc, hình thức. Chủ trương phát triển chăn nuôi, du lịch làm chủ đạo ở Tây Bắc là rất hợp lý, tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ, làm quyết liệt, bài bản. Phát triển du lịch cần gắn với phát triển rừng, đa dạng hóa dịch vụ du lịch, tránh trùng lặp, nhàm chán cho du khách./.
Quốc Đạt

Có thể bạn quan tâm