Cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo tại các địa phương phía Nam

Cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo tại các địa phương phía Nam
Nghị quyết 19 của Chính phủ “Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020”, đã phân công từng bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm cải thiện 250 chỉ số cụ thể liên quan đến môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh và chính phủ điện tử. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ được phân công làm đầu mối theo dõi tình hình thực hiện cải thiện các chỉ số về đổi mới sáng tạo.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Tháng 6/2017, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố báo cáo về xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index-GII) năm 2017, trong đó Việt Nam xếp hạng 47 trên 127 quốc gia và nền kinh tế, cải thiện 12 bậc so với xếp hạng năm 2016. Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên xếp hạng thứ nhất (thứ ba năm 2016); trong khu vực Đông Nam Á - Đông Á - châu Đại Dương, Việt Nam vươn lên xếp thứ 9; riêng trong ASEAN, Việt Nam vươn lên xếp thứ 3 và đứng trên Thái Lan.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trần Quốc Khánh, bên cạnh phản ánh hiện trạng phát triển của nền kinh tế, Chỉ số GII còn phản ánh tiềm lực phát triển của quốc gia trong dài hạn, với rất nhiều những thông số tham chiếu có tính hệ thống, toàn diện và khách quan. Kết quả vừa qua đã ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong những năm qua.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu với 82 chỉ số thành phần là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia và các nền kinh tế, được WIPO phối hợp với Trường kinh doanh INSEAD (Pháp) và Đại học Cornell (Hoa Kỳ) xây dựng lần đầu vào năm 2007.

Ông Hoàng Minh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh, việc xếp hạng chỉ là phần nhỏ, quan trọng là nhận ra những điểm yếu của mình thông qua từng chỉ số, qua đó nỗ lực cải thiện chỉ số. Thực tế, chúng ta xếp hạng tốt ở chỉ số xuất khẩu công nghệ nhưng chủ yếu là của các doanh nghiệp FDI, trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa xây dựng được các trung tâm nghiên cứu phát triển mạnh.

Một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam hiện nay, theo ông Hoàng Minh cần xác định tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tăng trưởng đổi mới sáng tạo, đây là động lực cho gia tăng giá trị của xuất khẩu và FDI; tận dụng đòn bẩy của giáo dục cho tăng cường đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo cơ bản liên quan đến cá nhân, nên cần tạo động lực cho từng sinh viên, nghiên cứu sinh và kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp để chứng minh cho họ về khả năng phá bỏ cái cũ, tạo ra cái mới, khuyến khích sự đổi mới sáng tạo.

Tại hội thảo, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng hướng dẫn, trao đổi thông tin và giải đáp các khó khăn, vướng mắc của các tỉnh, thành phố gặp phải trong quá trình triển khai; cùng với đó là một số giải pháp thực hiện cải thiện Chỉ số GII tại các địa phương./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm