Cải thiện chất lượng dân số vùng biển

Cải thiện chất lượng dân số vùng biển

Sau 6 năm, Đề án này đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong việc cải thiện chất lượng dân số vùng biển.

Hai huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy luôn là địa phương có tỷ lệ sinh con thứ ba cao nhất trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Cá biệt có thời điểm một số xã thuộc huyện Tiền Hải đã vượt đến mức trên 30% như xã Nam Thanh (37,8%), Nam Hồng (32,4%), Nam Trung (31,7%). Sở dĩ có sự gia tăng này là do hoạt đồng nghề biển cần nhiều lao động và nguyên nhân khác là do tâm lý “trọng nam khinh nữ” của nhiều gia đình còn rất nặng nề. Từ đó, dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo thống kê, năm 2011, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Thái Bình là 117 nam/100 nữ, trong đó hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy lên đến 135 nam/100 nữ.

Ảnh minh họa- TTXVN
Ảnh minh họa- TTXVN

Huyện Tiền Hải có 34 xã và 1 thị trấn trong đó có 8 xã ven biển. Những năm trước đây, người dân ít quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ chênh lệch giới tính còn cao. Đề án 52 thực hiện tại địa bàn huyện với nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số vùng biển như các hoạt động tư vấn, kiểm tra sức khỏe, kiểm tra các yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai, sự phát triển của thai; hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai và hỗ trợ khi sinh, sau sinh... Ngoài ra còn có các mô hình phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình… Năm 2015, tỷ lệ sinh tại huyện Tiền Hải giảm 0,02% so với năm 2014; tỷ lệ sinh con thứ ba giảm 1,3% so với năm 2014; tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh là 109 bé gái/100 bé trai, giảm so với những năm trước.

Bà Nguyễn Thị Vân, Chi cục phó Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thái Bình cho biết, thực hiện Đề án 52 trong 6 năm qua mô hình đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình đã triển khai tới hầu hết các xã ven biển khó khăn. Chi cục đã thành lập 24 đội dịch vụ lưu động cung cấp 3 gói dịch vụ cho các xã thực hiện mô hình; tổ chức trên 200 hội nghị nói chuyện chuyên đề về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho 30.000 lượt người. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình thực hiện hoạt động tư vấn cho các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn về những yếu tố nguy cơ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai và chất lượng bào thai tại 5 xã thuộc 2 huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải; triển khai hoạt động truyền thông, tư vấn nhóm, khám phân loại, theo dõi và tư vấn, khám định kỳ cho các bà mẹ có thai. Ngoài ra, còn có các mô hình, câu lạc bộ dành cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, lứa tuổi vị thành niên…

Từ sự trợ giúp của truyền thông và thực hiện nhiều mô hình hiệu quả, chất lượng dân số tại hai huyện ven biển này đã được cải thiện đáng kể. Năm 2015, dân số hai huyện trên 519.000 người (chiếm 25,7% dân số cả tỉnh). Số sinh là 7.396 cháu, tỷ suất sinh là 14,3‰; có trên 65.500 cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Đặc biệt tỷ số giới tính khi sinh của 2 huyện này đã giảm rõ rệt 109 bé trai/100 bé gái (cả tỉnh là 111,6 bé trai/100 bé gái).

Tuy nhiên cũng theo bà Nguyễn Thị Vân, hiện nay Đề án 52 đang gặp khó khăn do thiếu nguồn kinh phí. Từ khi bắt đầu thực hiện Đề án 52 (cuối năm 2009) đến năm 2015, địa phương được hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương trung bình 1,2 tỷ đồng/năm, kinh phí địa phương 670 triệu đồng/năm. Song từ năm 2016 nguồn kinh phí trung ương cắt giảm, vì vậy Đề án 52 chủ yếu thực hiện từ kinh phí địa phương. Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình quyết định cấp kinh phí 900 triệu đồng cho hoạt động dân số trong đó các hoạt động thuộc Đề án 52.

Tỉnh Thái Bình hiện có 900 cộng tác viên dân số và 2.700 cộng tác viên y tế. Trung bình mỗi xã có 12 - 17 cộng tác viên. Nếu như trước đây, mỗi cộng tác viên dân số được hưởng mức phụ cấp thù lao 150.000 đồng/tháng, thì nay con số này giảm đáng kể, chỉ còn 50.000 đồng/tháng. Theo bà Vân, với điều kiện khó khăn như hiện nay, giải pháp đang được tỉnh Thái Bình đang tính đến là gộp công việc của cộng tác viên dân số vào cộng tác viên y tế, giảm số lượng cộng tác viên dân số. Tuy nhiên, băn khoăn của những người làm công tác dân số nói chung, đặc biệt tại các xã ven biển với đặc thù có số dân đông, mỗi thôn chỉ có 1 cộng tác viên vừa kiêm nhiệm nhiệm vụ y tế vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn công tác dân số với khối lượng công việc khá lớn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chuyên môn. Theo quy định mỗi cộng tác viên dân số sẽ đảm nhiệm công tác dân số, cập nhật số liệu của 150 hộ/thôn, song có những nơi 1 cộng tác viên dân số phụ trách 200 - 250 hộ/thôn.

Mục tiêu giai đoạn 2 (2016 - 2020) của Đề án 52 là tiếp tục nâng cao chất lượng dân số, vận hành hệ thống thông tin quản lý về dân số và kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời mở rộng, triển khai đồng bộ các hoạt động đã thực hiện trong giai đoạn trước (2009 - 2015) trên địa bàn. Để Đề án 52 “Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển” tiếp tục được triển khai hiệu quả rất cần sự “tiếp sức” bằng cơ chế, chính sách cụ thể nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng biển, chất lượng nguồn lực lao động trong thời gian tới./.

Có thể bạn quan tâm