Các Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên

Các Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang  - TTXVN

Ngày 8/6, các Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2016-2019 do ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn đã làm việc tại Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Tham dự còn có lãnh đạo của 5 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng.

 

Ông Bùi Thanh Sơn cho biết, chuyến thăm nhằm mục đích để các Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam tại nước ngoài nắm bắt, hiểu rõ hơn về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên. Qua đó, các Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ là cầu nối phổ biến, thông tin đến cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về Tây Nguyên. Cùng với đó là nghiên cứu, gắn kết tìm các đối tác tại từng vùng, từng địa bàn của các nước để kêu gọi đầu tư, hợp tác khai thác các thế mạnh phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên, nhất là đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản thế mạnh của Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, cao su…

 

Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thông tin tình hình phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên. Tây Nguyên hiện có trên 54.636 km vuông (chiếm 16% diện tích của cả nước), dân số có trên 5,6 triệu người (chiếm 6% dân số cả nước), trong đó có 35,29% là đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh tế Tây Nguyên tăng trưởng khá, bình quân đạt 9%/năm, quy mô nền kinh tế và tổng sản phẩm năm 2015 tăng 3,6 lần so với năm 2010. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, tuy gặp nhiều bất lợi về thiên tai hạn hán nhưng các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp ổn định thị trường, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các thành phần kinh tế nên tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm vẫn đạt trên 7,2% so cùng kỳ này năm ngoái. Diện mạo kinh tế, xã hội nhiều địa bàn nông thôn ngày càng chuyển biến, môi trường đầu tư từng bước được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và công tác thu ngân sách đạt được nhiều kết quả tích cực…/.

Có thể bạn quan tâm