Cả nước có 3.370 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Cả nước có 3.370 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Có 53 đơn vị cấp huyện thuộc 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 10 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2017 (Dự kiến đến hết năm 2018 vượt mục tiêu có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới).

Qua đó, hạ tầng nông thôn tiếp tục được các địa phương tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng. Đến nay, cả nước đã có 4.944 xã đạt tiêu chí Giao thông (đạt 55,4%), 7.653 xã đạt tiêu chí thủy lợi (đạt 85,7%), 5.063 xã đạt tiêu chí trường học (đạt 56,7%), 4.707 xã đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa (đạt 52,7%), 6.362 xã đạt tiêu chí Nhà ở dân cư (đạt 71,3%)...
Xuất phát điểm là một xã nghèo, nhưng Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An giờ đây thay da đổi thịt khi đưa cây chè vào trồng trên đất đồi. Năm 2018, cả xã Hùng Sơn có hơn 900 hộ thì có đến hơn 700 hộ trồng chè trên diện tích 450 ha. 1 ha trồng chè mỗi năm cho thu nhập từ 100 -120 triệu đồng, năng suất bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/ha/năm. Cây chè mang lại nguồn thu nhập hàng chục tỉ đồng cho các hộ trồng chè. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Xuất phát điểm là một xã nghèo, nhưng Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An giờ đây thay da đổi thịt khi đưa cây chè vào trồng trên đất đồi. Năm 2018, cả xã Hùng Sơn có hơn 900 hộ thì có đến hơn 700 hộ trồng chè trên diện tích 450 ha. 1 ha trồng chè mỗi năm cho thu nhập từ 100 -120 triệu đồng, năng suất bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/ha/năm. Cây chè mang lại nguồn thu nhập hàng chục tỉ đồng cho các hộ trồng chè. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Các địa phương đã xây dựng các chuỗi sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện), ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Cụ thể, đã hình thành và tiếp tục củng cố 818 chuỗi nông sản an toàn (tăng 74 chuỗi so với năm 2017).

Đáng chú ý, một số địa phương đã xác định được những sản phẩm chủ lực, dần hình thành những vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao theo mô hình cánh đồng lớn như: Xoài, bưởi da xanh, sầu riêng ở Đồng Nai; Xoài ở Đồng Tháp; Thanh Long ở Bình Thuận, Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang; Nhãn ở Hưng Yên; Cam Cao Phong, Hòa Bình...); mô hình cây vụ đông có giá trị cao đạt 300 - 400 triệu đồng/ha (Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình,...).

Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, hiện nay, cả nước có khoảng 4.823 sản phẩm đặc sản, dịch vụ du lịch cấp xã, huyện (nhóm sản phẩm OCOP) có lợi thế; trong đó mới có 1.086 sản phẩm (22,52%) có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng; có 695 sản phẩm (14,4%) có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đây là tiềm năng và dư địa rất lớn để có thể triển khai hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2018-2020”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tăng nhanh thu nhập cho người dân và bảo tồn truyền thống văn hoá của từng vùng miền...

Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn. Cụ thể: Vùng Đồng bằng sông Hồng (65,38%), Đông Nam Bộ (63,88%) thì Miền núi phía Bắc (18,20%), Tây Nguyên (24,67%), Đồng bằng sông Cửu Long (31,21%), Duyên hải Nam Trung Bộ (36,12%). Trong khi một số địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn (như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam...) để chuyển sang giai đoạn nâng cao và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thì một số địa phương khác có số xã đạt chuẩn rất thấp (như Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng…).
Thành Trung

Có thể bạn quan tâm