“Bứt tốc” trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4

“Bứt tốc” trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo Toàn cảnh công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam năm 2017 với chủ đề “Doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ 4: cơ hội – thách thức”, do Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA) tổ chức ngày 20/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), các xu thế công nghệ sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp SME, khởi nghiệp sáng tạo thâm nhập thị trường ngách với nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ mang tính đột phá. Các hiệp hội và doanh nghiệp cần nghiên cứu các tiêu chuẩn quốc tế để đưa ra chiến lược phát triển phù hợp. Doanh nghiệp công nghệ thông tin đạt được tiêu chuẩn quốc tế sẽ là thế mạnh để tồn tại và phát triển, bởi có tiêu chuẩn là có thị trường.
Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban tổ chức VIO 2017, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thế Anh – TTXVN
Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban tổ chức VIO 2017, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thế Anh – TTXVN

Cùng quan điểm này, ông Hà Như Hải, Phó Giám đốc CMC Telecom – Chi nhánh miền Nam cho rằng, trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam có lợi thế về cơ sở hạ tầng viễn thông, phát triển về công nghệ thông tin; điện thoại thông minh và internet tăng trưởng, phát triển tỷ lệ cao trong tốp đầu của thế giới. Đây là nền tảng rất tốt về kết nối để doanh nghiệp, người dân tận dụng, ứng dụng phát triển doanh nghiệp cho mình.
 
Hiện nay, công nghiệp công nghệ thông tin đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn và đóng góp quan trọng vào GDP Việt Nam. Hiện tổng số doanh nghiệp lĩnh vực này khoảng 24.500 doanh nghiệp (năm 2016). Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin năm 2016 ước đạt khoảng 66,7 tỷ USD (tăng 11,5% so với năm 2015); trong đó, công nghiệp phần cứng là 58,9 tỷ USD, công nghiệp phần mềm hơn 3 tỷ USD và còn lại là nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin. Kim ngạch xuất khẩu công nghệ thông tin năm 2016 ước đạt trên 60 tỷ USD.
Ông Bùi Minh Công, Trưởng bộ phận bán hàng TechData, trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Thế Anh – TTXVN
Ông Bùi Minh Công, Trưởng bộ phận bán hàng TechData, trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Thế Anh – TTXVN
Mặc dù vậy, theo bà Tô Thị Thu Hương, công nghệ thông tin Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào một số lợi thế như nhân công dồi dào, chi phí thấp. Với cuộc cách mạng số hay cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra tốc độ cao và quy mô lớn như hiện nay, đòi hỏi ngành công nghệ thông tin cần có chuyển dịch phù hợp để phát triển.
 
Nhiều chuyên gia nhận định, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là mô tả chính xác nhất sự giao thoa giữa công nghiệp và công nghệ thông tin. Vì vậy, thách thức hiện nay đối với doanh nghiệp Việt Nam là các nhà máy sản xuất phần lớn ở mức dây chuyền cấp thấp, ứng dụng công nghệ thông tin mới được quan tâm và ở mức trung bình, tính kết nối tạo hệ sinh thái chưa được hình thành, nhất là tâm lý “ngại” đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin do lo lắng hiệu quả đầu tư trong doanh nghiệp SME.
Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HCA, đại diện nhóm chuyên gia báo cáo tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Thế Anh – TTXVN
Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HCA, đại diện nhóm chuyên gia báo cáo tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Thế Anh – TTXVN
Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HCA cho rằng, hiện các doanh nghiệp nước ta chủ yếu là SME (khoảng 97%), các doanh nghiệp này có ít hơn 100 nhân viên trong các lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Do vậy, điều quan trọng chính yếu là các doanh nghiệp cần phải số hóa, nâng cao năng lực. Để thực hiện số hóa thành công cần thực hiện 6 bước: phác thảo chiến lược trong cách mạng lần thứ 4, phát triển dự án thí điểm đầu tiên, xác định năng lực cần thiết thực hiện, các dữ liệu cần được số hóa, chuyển đổi thành doanh nghiệp số hóa và phải kết nối với hệ sinh thái trong ngành.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp về chiến lược, công nghệ ứng dụng cũng như phần mềm quản lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phù hợp với nhu cầu phát triển. Trong đó khẳng định, doanh nghiệp biết và ứng dụng thế mạnh của công nghệ sẽ có năng lực cạnh tranh vượt trội; ngược lại, đóng cửa với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đồng nghĩa với khả năng doanh nghiệp bị đào thải.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thế Anh – TTXVN
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thế Anh – TTXVN
Trên cơ sở phân tích thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp, ông Phí Anh Tuấn đưa ra lộ trình phác thảo với doanh nghiệp SME Việt Nam là ứng dụng công nghệ thông tin như là một nền tảng khởi đầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho doanh nghiệp; ứng dụng tự động hóa, IoT tùy theo ngân sách doanh nghiệp; tham gia xây dựng hệ thống kết nối doanh nghiệp – doanh nghiệp dạng “hệ sinh thái”; tiến tới tự động hóa và sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất./.
Hoạt động triển lãm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT cung cấp các giải pháp phục vụ doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0), diễn ra song song với Hội thảo. Ảnh: Thế Anh – TTXVNHoạt động triển lãm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT cung cấp các giải pháp phục vụ doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0), diễn ra song song với Hội thảo. Ảnh: Thế Anh – TTXVN
Hoạt động triển lãm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT cung cấp các giải pháp phục vụ doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0), diễn ra song song với Hội thảo. Ảnh: Thế Anh – TTXVN
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm