Bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học năm 2017: Hướng đến nâng cao chất lượng giảng dạy

Bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học năm 2017: Hướng đến nâng cao chất lượng giảng dạy

Năm học trước, trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An chỉ có khoa Mầm non tuyển sinh còn khá khả quan, các khoa khác mỗi khoa chỉ tuyển được vài chỉ tiêu dù điểm đầu vào chỉ 12 điểm, ngang với mức điểm sàn. Năm nay, nếu quy định về điểm sàn bị bỏ, việc tuyển sinh sẽ càng khó khăn hơn khi trên địa bàn có Trường Đại học Vinh vốn có thế mạnh nhiều năm đào tạo sư phạm và chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm rất lớn. 

Ảnh minh họa- TTXVN
Ảnh minh họa- TTXVN

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Nam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc cho rằng: Điểm sàn để phân loại học sinh. Với những học sinh không đủ điểm sàn, các em sẽ có sự lựa chọn thứ 2, thứ 3 vào các trường Cao đẳng, dạy nghề. Nếu bỏ điểm sàn, học sinh sẽ ồ ạt vào đại học, dẫn đến đầu vào bị thả lỏng. Trong trường hợp đầu ra không được siết chặt, chất lượng đại học khó đảm bảo. Kết quả là sẽ cho ra trường hàng nghìn sản phẩm không đạt yêu cầu, không được xã hội và các doanh nghiệp công nhận. Thực tế cho thấy, nếu học sinh không đủ năng lực vào đại học, các em nên đi học nghề để sau khi ra trường có việc làm, có thu nhập ổn định. 

Cùng chung ý kiến trên, thầy giáo Phan Huy Hoàng, Hiệu Trưởng Trường Trung cấp Việt Anh cho biết: Học sinh học đại học, cần phải có những tố chất đặc biệt về trí tuệ, tư duy và sự thông minh. Tại Việt Nam, những năm qua có một thực tế là hiệu quả đào tạo không cao. Trường Trung cấp Việt Anh một năm có từ 60 – 80% sinh viên có trình độ đại học nhưng ra trường không có việc làm phải đi học lại trung cấp. Các nước có nền giáo dục phát triển không có điểm sàn, không công bố điểm xét tuyển đại học, cao đẳng nhưng họ đã phân luồng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp THCS và THPT, các em chọn trường, chọn nghề theo đúng năng lực của mình. Hiện tại, chúng ta tổ chức phân luồng, hướng các em học nghề nhưng nếu bỏ điểm sàn, nguồn tuyển sinh cho các trường sẽ thu hẹp lại. Đặc biệt hiện nay tâm lý bằng cấp vẫn còn nặng nề trong đại bộ phận nhân dân. Về phía các trường đại học, dù ủng hộ việc bỏ điểm sàn nhưng lãnh đạo các trường cũng rất cân nhắc khi nói về vấn đề này. Hơn thế, họ còn cho rằng điểm sàn như một “con dao hai lưỡi”, không thể cứ vin vào đó là có thể dễ dàng tuyển được thí sinh. 

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, thầy giáo Dương Công Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho rằng: Nếu bỏ điểm sàn, các trường đại học sẽ có nhiều nguồn tuyển sinh hơn. Tuy nhiên, các trường cũng không thể dễ dãi với bản thân mình vì nếu tuyển sinh nguồn đầu vào thấp, chất lượng đào tạo không đảm bảo, chỉ một hai năm, phụ huynh và học sinh sẽ quay lưng với nhà trường. Điều quan trọng nhất hiện nay, đó là các trường không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, chú trọng đầu ra, đào tạo đúng với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. 

Mục đích của điểm sàn là nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào và định hướng phân luồng học sinh. Tuy vậy, khi bỏ điểm sàn rõ ràng sẽ dẫn đến những bất cập nảy sinh, hơn thế làm mất cơ cấu lao động trong tương lai, gia tăng thêm tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Từ thực tế bất cập này, rõ ràng phụ huynh và học sinh cần cân nhắc khi lựa chọn nghề nghiệp cho con em. Quan trọng nhất phải lựa chọn ngành nghề đúng năng lực, sở trường và đúng với nhu cầu tuyển dụng của xã hội./. 

Có thể bạn quan tâm