Bình Thuận: Trồng khổ qua lấy hạt - hướng đi mới cho người dân Đức Tín

Bình Thuận: Trồng khổ qua lấy hạt - hướng đi mới cho người dân Đức Tín
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từ năm 2008, Hội Nông dân xã Đức Tín liên kết với Công ty chuyên hạt giống Việt Nông ở Đồng Nai triển khai mô hình trồng khổ qua lấy hạt cho vài hộ dân. Từ hiệu quả thực tế, đến nay mô hình thu hút được gần 20 hộ dân tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất hạt giống khổ qua với diện tích canh tác được duy trì thường xuyên từ 3 - 5 ha mỗi năm.

Ông Nguyễn Gia Vĩnh, thôn 10, xã Đức Tín, một trong những người đầu tiên tham gia mô hình cho biết: Khi tham gia mô hình, gia đình ông được cung cấp hạt giống, được công ty đầu tư ứng trước vật tư và được cán bộ kỹ thuật “cùng ăn cùng làm” hướng dẫn tận tình kỹ thuật canh tác. Thổ nhưỡng thích hợp, thời tiết thuận lợi, khổ qua phát triển xanh tốt và cho ra hạt giống chất lượng tốt.

Theo ông Vĩnh, đây là vùng đất phụ thuộc vào nước trời nên so với làm lúa, trồng bắp thì trồng khổ qua hiệu quả hơn nhiều. Thấy trồng loại cây này có lãi cao, không tốn công chăm sóc mà đầu ra ổn định nên gia đình ông mạnh dạn mở rộng diện tích canh tác lên 3,5 sào. Một năm có thể sản xuất 3 vụ khổ qua với năng suất bình quân mỗi sào đạt khoảng 50 kg hạt, có thời điểm đạt 85kg/sào. Với giá bán 400.000 đồng/kg hạt, sau khi trừ chi phí gia đình thu về khoảng 170 triệu đồng/năm từ trồng khổ qua.

Phấn khởi vì vừa thu hoạch xong vụ hạt khổ qua, chị Nguyễn Thị Kiều Anh, thôn 10, xã Đức Tín cho biết: với hơn 3 sào trồng khổ qua, 2 đợt vừa qua gia đình thu hơn 100 triệu đồng. Trồng khổ qua không khó, ban đầu cần đầu tư tre để làm giàn, bạt ni lông để trải dưới đất lúc gieo hạt. Khâu quan trọng nhất là thụ phấn nhân tạo. Khâu này đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ của người nông dân. Phấn được bỏ vào một lọ nhỏ, người làm cầm bút lông chấm vào phấn rồi chấm vào nụ hoa và chờ đến khi ra trái. Từ lúc gieo hạt cho đến khi trái chín, thu hoạch hạt khoảng từ 65- 75 ngày, chị Anh chia sẻ.

Theo nhiều nông dân, khi mới bắt đầu thực hiện, người dân phải học theo chỉ dẫn của công ty từ khâu xuống giống đến khâu thu hoạch. Giờ đây, bà con làm thuần thục đến từng chi tiết mà không cần chuyên gia hướng dẫn. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất đòi hỏi người nông dân phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định đề ra để đem lại hạt giống tốt nhất.

Ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Đức Tín cho biết: Tổ hợp tác sản xuất hạt giống khổ qua là mô hình sản xuất kiểu mẫu thể hiện sự trách nhiệm, gắn kết giữa người nông dân với doanh nghiệp và ngược lại. Việc công ty đầu tư phân bón, dụng cụ chăm sóc, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra đã giúp bà con an tâm hơn, tập trung vào sản xuất. Đồng thời, việc tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, tuân thủ quy trình sản xuất mà công ty đưa ra giúp bà con nông dân nâng cao trình độ sản xuất, thay đổi thói quen canh tác như trước đây. Việc trồng cây khổ qua lấy hạt đem lại hiệu quả cao, nâng cao thu nhập cho người dân cũng là kết quả đáng mừng trong việc vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn để bà con mở rộng sản xuất cũng như nhân rộng mô hình để người dân tham gia, làm giàu chính đáng.

Có thể bạn quan tâm