Bình Thuận chủ động triển khai công tác phòng chống bệnh sau mưa lũ

Bình Thuận chủ động triển khai công tác phòng chống bệnh sau mưa lũ
Phun thuốc diệt muỗi - TTXVN
Phun thuốc diệt muỗi - TTXVN

Ông Hoàng Văn Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Thuận cho biết: Mặc dù số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng giảm so với mọi năm và các ổ bệnh đã được kiểm soát, tuy nhiên ngành Y tế dự phòng tỉnh không chủ quan, lơ là, ngược lại chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm tất cả các khu dân cư nằm trong vùng nguy cơ, các ổ bệnh đều được phun thuốc, tiêu diệt lăng quăng.

Đến nay, ngành Y tế Bình Thuận đã xử lý kịp thời 121 ổ bệnh tại các địa phương đúng theo quy định. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã ra quân diệt lăng quăng và phun hóa chất chủ động diện rộng khống chế dịch bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết Dengue tại 22 xã, phường, thị trấn có nguy cơ của 9 huyện, thị xã trong toàn tỉnh. Đồng thời, phân bổ hơn 200 lít hóa chất cùng máy phun cho các Trung tâm y tế huyện để xử lý dịch bệnh.

Theo ông Hùng, ngoài yếu tố thời tiết, môi trường, khí hậu thay đổi thất thường thì theo chu kỳ, bệnh sốt xuất huyết có khả năng sẽ diễn biến phức tạp và gia tăng. Trong thời gian tới, ngành Y tế Bình Thuận phối hợp với các ngành, các địa phương đổi mới phương thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức phòng bệnh của người dân. Thay vì dừng lại ở khâu tuyên truyền bằng các khẩu hiệu, pano, áp phích, chiến dịch truyền thông phải thay đổi từ nhận thức đến hành vi, huy động được cả cộng đồng cùng vào cuộc thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, góp phần giảm thiểu các nguy cơ phát sinh bệnh sốt xuất huyết.

Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Thuận, tính đến ngày 22/11, toàn tỉnh ghi nhận 1.746 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 636 ca so với cùng kỳ năm 2016. Trung bình mỗi tuần có từ 30- 40 ca mắc mới. Bệnh tập trung nhiều nhất là ở các huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Đức Linh, thành phố Phan Thiết, Hàm Thuận Nam…

Bên cạnh chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Thuận đang đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông về cách phòng, chống bệnh tay chân miệng đến người dân, nhất là các phụ huynh có con em trong độ tuổi mẫu giáo. Đồng thời, ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức hướng dẫn giáo viên, học sinh thực hiện các biện pháp rửa tay, giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh nền nhà, đồ chơi, vệ sinh, khử trùng phòng học… Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.173 mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Hồng Hiếu

Có thể bạn quan tâm