Bất cập trong quá trình nuôi tôm siêu thâm canh tại Cà Mau

Bất cập trong quá trình nuôi tôm siêu thâm canh tại Cà Mau
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN
Tuy nhiên, loại hình này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tạo sự bùng phát về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nếu việc quản lý không được thực hiện một cách nghiêm ngặt và triệt để.Mang tính đột phá nhưng chưa bền vững Theo UBND tỉnh Cà Mau, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hiện nay nghề nuôi tôm tỉnh Cà Mau không những mở rộng về diện tích, phát triển nhiều loại hình nuôi mà còn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung đầu tư công nghệ tiên tiến vào nuôi siêu thâm canh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Từ khoảng 100 ha nuôi tôm siêu thâm canh ở năm 2006, hiện đã tăng lên 1.842 ha với hơn 1.740 hộ nuôi; năng suất bình quân đạt từ 30 – 50 tấn/ha/vụ. Cá biệt có nơi đạt trên 100 tấn/ha/vụ, tỷ lệ nuôi thành công đạt trên 85%. Qua đó, đóng góp khoảng 15% tổng sản lượng tôm nuôi trong toàn tỉnh, góp phần đưa tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 350.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 1,1 tỷ USD. Theo dự báo, loại hình nuôi này sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, có khả năng đạt 5.000 ha vào năm 2020 và đạt 10.000 ha vào năm 2030. Tuy nhiên, hiện loại hình nuôi này đang tồn tại nhiều quy trình nuôi khác nhau, chưa có quy trình chuẩn, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Qua kiểm tra thực tế, có đến 50% diện tích và số hộ nuôi không đáp ứng các điều kiện nuôi theo quy định. Nạn xả thải từ các ao nuôi trực tiếp ra môi trường bên ngoài chưa được xử lý triệt để, gây ô nhiễm, dịch bệnh lây lan, đe dọa đến tính bền vững của nghề nuôi tôm. Để nghề nuôi phát triển bền vững và không ảnh hưởng đến các loại hình khác, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1874/QĐ-UBND ngày 10/11/2017, quy định tạm thời về điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Đồng thời, thành lập Tổ kiểm tra 1926 nhằm kiểm tra và hướng dẫn điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đột xuất thực tế tại các cơ sở nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh cho thấy, các điều kiện theo Quyết định 1874 của tỉnh chưa được tuân thủ nghiêm túc. Theo đó, Tổ kiểm tra 1926 đã tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên 36 đợt với 135 hộ. Nhưng chỉ có 26 hộ đạt yêu cầu, tức chỉ khoảng 19,2%, còn lại 91 hộ có một số chỉ tiêu còn hạn chế, đặc biệt có 18 hộ không đạt. Cụ thể, huyện Đầm Dơi có số hộ không đạt yêu cầu cao nhất là 6 hộ; 22 hộ còn hạn chế một vài tiêu chí trong tổng số 29 hộ được kiểm tra. Huyện Phú Tân có 21 hộ còn hạn chế một số chỉ tiêu, 4 hộ không đạt; huyện Trần Văn Thời, trong số 18 hộ được kiểm tra chỉ có 2 hộ đạt, 12 hộ còn một số chỉ tiêu hạn chế và 4 hộ không đạt. Theo đánh giá của Tổ kiểm tra 1926, qua quá trình kiểm tra thực tế cho thấy, đa phần các hộ nuôi tôm thâm canh chưa đáp ứng được yêu cầu về điều kiện nuôi theo Quyết định 1874 của UBND tỉnh; trong đó, hạn chế lớn nhất tập trung ở các ao công trình phụ trợ, khu chứa thải có thiết kế nhưng chưa đảm bảo về diện tích cũng như thể tích chứa, nhiều hộ chưa quan tâm và ý thức tốt việc xử lý nước thải, bùn thải. Ngoài ra, hệ thống điện hầu hết còn sử dụng trụ, cột điện tạm bợ bằng cây gỗ; một số ít có trụ, cột điện bằng bê-tông thì không đảm bảo về độ cao cũng như các điểm đấu nối chưa đảm bảo an toàn theo quy định. Liên quan đến việc xả thải và bùn thải, lãnh đạo địa phương cho biết, có những hộ xây dựng các công trình phụ đúng như quy định. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi thường không tuân thủ quy trình xử lý nước và bùn trước khi thải ra môi trường; có trường hợp thải trực tiếp, nhất là nước và bùn trong quá trình xi phông ao nuôi. Một thực tế đáng lo ngại khác là, những hộ không đảm bảo các điều kiện theo quy định được các tổ kiểm tra chỉ ra và đề nghị làm cam kết khắc phục, nhưng số hộ khắc phục còn rất hạn chế. Cụ thể, các tổ kiểm tra của các địa phương đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 1.100 hộ có một số chỉ tiêu còn hạn chế và có 598 hộ không đạt trong tổng số 3.148 hộ được kiểm tra. Sau khi tái kiểm tra 1.562 hộ thì chỉ có 244 hộ đã khắc phục các lỗi như đã cam kết. Tiêu biểu là huyện Cái Nước, trong 931 hộ được kiểm tra có 391 hộ không đạt và 189 hộ còn hạn chế một số chỉ tiêu, sau khi tái kiểm chỉ có 32 hộ đã khắc phục.Chờ giải pháp lâu dài Vào cuối tháng 8 vừa qua, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học về thực trạng và giải pháp nuôi tôm siêu thâm canh. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của gần 130 giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học cùng đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người nuôi tôm siêu thâm canh trong và ngoài tỉnh. Tại đây, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hội nghề Cá Việt Nam khẳng định, con tôm luôn là mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, chiếm 50% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành. Kim ngạch xuất khẩu cả nước những năm gần đây luôn đạt 3-4 tỷ USD/năm; trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau đã đóng góp trên 1,1 tỷ USD, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng cũng cho rằng, Cà Mau là tỉnh có nhiều thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 2,1 tỷ USD vào sau năm 2021 thì cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ quản lý ngành đến tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hình thành chuỗi giá trị con tôm…; trong đó, cần lấy công nghệ cao làm phương châm phát triển bền vững, giúp người nuôi tôm tiếp cận, ứng dụng được các tiến bộ khoa học một cách hiệu quả và bền vững nhất. Một tồn tại khó xử lý hiện nay của nghề nuôi tôm ở Cà Mau là chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y - thủy sản, giá cả đầu vào cao, đầu ra bấp bênh dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Đặc biệt, con giống là một khâu quan trọng, quyết định đến năng suất và sản lượng. Thế nhưng, hiện nay tình trạng sản xuất con giống còn tràn lan, khó kiểm soát, dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi thường xuyên xảy ra. Ông Nguyễn Văn Của, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Cà Mau nhận định, hiện diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển nhanh; trong đó có không ít hộ không am hiểu quy trình kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư nên nuôi không hiệu quả. Không ít hộ có diện tích đất nhỏ, không đáp ứng các quy định nuôi, xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Một trong những tồn tại dẫn đến việc quản lý, kiểm tra đối với loại hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh khó khăn là do còn rải rác ở nhiều nơi. Do đó, để hạn chế tình trạng xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, các địa phương sớm định hướng hoàn chỉnh quy hoạch nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh tập trung. Đồng thời, có phương án chuyển đổi hình thức nuôi hoặc chuyển đổi các đối tượng nuôi khác đối với những hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ngoài quy hoạch, những hộ nuôi không đảm bảo điều kiện theo quy định. Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, việc quy hoạch vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung triển khai đã lâu nhưng chưa được phê duyệt. Hiện vùng quy hoạch và không quy hoạch đều giống nhau. Địa phương đang tìm giải pháp dồn điền đổi thửa để có vùng nuôi tập trung, đầu tư hạ tầng, thu hút người nuôi tôm vào đây nuôi được thuận lợi hơn so với nuôi phân tán. Trước mắt, vùng nuôi tập trung chưa được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng cho người dân biết quy hoạch và tuân thủ các quy định của vùng nuôi cũng như bảo vệ môi trường. Qua thực tế cho thấy, rào cản hiện nay của người dân khi triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đòi hỏi người nuôi phải có trình độ kỹ thuật cao, lượng điện tiêu thụ nhiều, chi phí đầu tư ban đầu lớn… Do đó, để phát triển rộng mô hình này, đã có một số doanh nghiệp liên kết với nông dân để chia sẻ công nghệ nuôi tôm. Về vấn đề này, ông Lê Văn Sử thông tin thêm, UBND tỉnh đang quyết liệt trong triển khai điều kiện nuôi tôm nhưng nhiều nơi còn đến 50% diện tích và số hộ nuôi không đảm bảo điều kiện nuôi. Muốn sản xuất hiệu quả thì phải hình thành chuỗi liên kết cả ngang và dọc. Theo đó, liên kết ngang là thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; liên kết dọc là tạo nên chuỗi tiêu thụ... Điều này không chỉ đảm bảo được sự phát triển bền vững của mô hình mà còn giúp nông dân hạn chế được tình trạng được mùa thì mất giá đang xảy ra trên hầu hết các mặt hàng mà người nông dân làm ra.
Huỳnh Anh
TTXVN

Có thể bạn quan tâm