Bảo vệ Voọc mũi hếch ở Hà Giang

Bảo vệ Voọc mũi hếch ở Hà Giang
Theo ghi nhận của các ngành chức năng và của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (gọi tắt là FFI), đơn vị đang triển khai những nỗ lực bảo vệ VMH, địa bàn Hà Giang hiện có gần 200 cá thể VMH. Địa bàn VMH sinh sống chủ yếu tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Mê và Quản Bạ và có thể có ở cả địa bàn huyện Yên Minh. Như vậy, có thể thấy loài linh trưởng được thế giới quan tâm, bảo vệ đang có địa bàn sinh sống liên quan đến khu vực Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, một địa điểm du lịch và nghiên cứu khoa học nổi tiếng không chỉ riêng của Việt Nam.

Ảnh: Nguồn Internet
Ảnh: Nguồn Internet

Với sự hỗ trợ của Tổ chức FFI và sự quan tâm, bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm – VMH, thời gian qua FFI và lực lượng kiểm lâm trong tỉnh đã tích cực thực hiện công tác tuần tra, giám sát sinh học tại các địa bàn có sự tồn tại của VMH; thu thập số liệu đa dạng sinh học; kiểm soát, nắm bắt thông tin các hoạt động xâm hại đến sinh cảnh của VMH. Cùng với đó là việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ VMH; hỗ trợ hạt kiểm lâm, công an các huyện tổ chức tuyên truyền người dân giao nộp, thu hồi súng săn, vật liệu nổ, bẫy động vật hoang dã; kiện toàn các tổ chức tự quản trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng của các địa bàn vùng có VMH...

Qua nỗ lực của các ngành chức năng, các tổ chức, một điều đáng ghi nhận, đó là những năm qua, các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng khu vực sinh cảnh của VMH đã giảm đáng kể. Hoạt động săn bắt, sử dụng và buôn bán động vật rừng hầu như không có ghi nhận.

Theo anh Hoàng Văn Tuệ, Trưởng Phòng Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, qua nghiên cứu, theo dõi hơn 10 năm qua cho thấy, đàn VMH đã được phát triển, hồi sinh đáng kể trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Các nhà khoa học và người dân đã phát hiện không ít cá thể VMH đang trưởng thành và voọc non ở những đàn VMH tại các khu rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Khau Ca hay những khu rừng ở Tả Ván, Cao Mã Pờ, Quản Bạ. Từ đó cho thấy những nỗ lực trong công tác bảo vệ VMH là rất đáng ghi nhận.

Mùa xuân đang về trên những cánh rừng, ở Khu bảo tồn thiên nhiên Khau Ca, ở những cánh rừng biên giới Cao Mã Pờ, Tả Ván... Ở đó, VMH – một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất của thế giới đang hồi sinh trong quyết tâm bảo tồn của mỗi chúng ta.
Báo Hà Giang

Có thể bạn quan tâm