Bảo hiểm y tế giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc tỉnh Tuyên Quang

Bảo hiểm y tế giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc tỉnh Tuyên Quang
Các bác sỹ Bệnh viên đa khoa khu vực ATK huyện Yên Sơn khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Quang Đán – TTXVN
Các bác sỹ Bệnh viên đa khoa khu vực ATK huyện Yên Sơn khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Quang Đán – TTXVN
Để hiểu rõ hơn về lợi ích của bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chúng tôi tìm đến Bệnh viện Đa khoa khu vực ATK huyện Yên Sơn, nơi  tiếp nhận, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân 7 xã vùng ATK của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Bác sỹ Vũ Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực ATK huyện Yên Sơn cho biết: Được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nên nhận thức về việc khám và điều trị bệnh của đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng ATK của huyện Yên Sơn đã có nhiều thay đổi, người dân trong vùng đã quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Trong vài năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện để khám, chữa bệnh đều tăng lên.

Năm 2018, bệnh viện đã khám cho trên 18.500 lượt bệnh nhân (tăng trên 2.400 lượt so với năm 2017) trong đó có trên 3.600 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Đa phần bệnh nhân đến khám chữa bệnh là đồng bào dân tộc thiểu số. Để chia sẻ khó khăn, đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ của bệnh viện luôn nỗ lực, cố gắng điều trị và chăm sóc tốt cho bệnh nhân. Việc phối hợp thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế giữa bệnh viện và Bảo hiểm xã hội huyện Yên Sơn rất kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám, điều trị bệnh của nhân dân.

Là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực ATK huyện Yên Sơn, anh Lý Văn Vĩnh, dân tộc Mông, thôn Làng Quân, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn chia sẻ: Mấy hôm trước mình đang đi đường thì bị người khác đâm xe máy vào nên bị gãy chân, sau đó mình được đưa vào bệnh viện chữa trị. Vào viện được các bác sỹ tận tình chăm sóc và nhờ có bảo hiểm y tế nên mình được hỗ trợ 100% chi phí điều trị tại bệnh viện, gia đình mình không phải chi trả gì. Mình thấy bảo hiểm y tế có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình mình cũng như các hộ dân tộc thiểu số khác trên địa bàn. Có bảo hiểm y tế nên chẳng may gia đình có người ốm đau, tai nạn là có thể an tâm đến bệnh viện điều trị mà không phải lo lắng về tiền viện phí…

Không chỉ thuận lợi trong việc khám và điều trị bệnh ban đầu ngay tại cơ sở, các thủ tục chuyển tuyến cho bệnh nhân chẳng may lâm bệnh nặng cũng được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng, giúp bệnh nhân được hưởng đầy đủ lợi ích từ bảo hiểm y tế.

Đã phải đưa con đi điều trị bệnh thiếu máu huyết tán hơn 10 năm nay, chị Viên Thị Nga, dân tộc Tày, thôn Nà Ho, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn cho biết: "Con trai tôi mắc bệnh thiếu máu huyết tán từ nhỏ, do bệnh viện trong khu vực chưa có đủ trang thiết bị để điều trị bệnh này nên tôi phải đưa cháu về các bệnh viện ở Trung ương để điều trị mỗi tháng 1 lần. Đến đầu năm 2018, con tôi được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang để điều trị. Việc chuyển tuyến thuận lợi nên dù phải về các bệnh viện ở Trung ương hay điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh thì con tôi vẫn được hưởng đầy đủ các hỗ trợ từ bảo hiểm y tế. Gia đình tôi thuộc hộ nghèo ở xã Trung Sơn, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, nếu không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh thì chắc gia đình tôi cũng không có đủ điều kiện để điều trị bệnh cho con".

Theo quy định, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng quyền lợi 100% chi phí khám, chữa bệnh khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ chi phí vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh, từ tuyến tỉnh về tuyến Trung ương trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến, do chuyên môn kỹ thuật quá khả năng điều trị. Chính sách này đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số.

Ông Đào Duy Hiện, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang cho biết: Để chính sách chăm sóc sức khỏe toàn diện đến với đông đảo người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang đã chủ động phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu UBND các huyện chỉ đạo các phòng, ban có liên quan tiến hành rà soát, lập danh sách đối tượng người dân tộc thiểu số thuộc diện được Nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế và gửi Bảo hiểm xã hội huyện trước ngày 15/12 hàng năm, để kịp thời rà soát đối chiếu, thực hiện việc in thẻ bảo hiểm y tế.

Cán bộ, nhân viên Bảo hiểm xã hội tại các huyện còn trực tiếp về các thôn, bản, xã, phường, thị trấn để phối hợp cùng rà soát đối tượng; qua đó, nắm bắt thực tế, kịp thời sửa đổi, bổ sung những thông tin về thân nhân không trùng khớp với thông tin trên thẻ bảo hiểm y tế để người dân khi đi khám chữa bệnh được thuận tiện. Đồng thời, rà soát những hộ gia đình thuộc đối tượng được hưởng chính sách của Nhà nước nhưng chưa được chính quyền cấp cơ sở lập danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế (do lập danh sách còn để sót), hạn chế tối đa những thiếu sót làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân… Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 746.000 người, chiếm 96,1% dân số; trong đó có trên 277.400 người là dân tộc thiểu số…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn gặp một số khó khăn. Do phong tục, tập quán và trình độ dân trí của đồng bào không đồng đều, thói quen sử dụng nhiều tên, nhiều năm sinh, cách phát âm, viết chữ phổ thông còn hạn chế dẫn đến sai lệch thông tin được in trên thẻ bảo hiểm và giấy tờ tùy thân; một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc rà soát, lập danh sách đối tượng người dân tộc thiểu số được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế…

Để khắc phục tình trạng này thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác rà soát, lập danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế hằng năm; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác rà soát, lập danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách.

Mặt khác, ngành Bảo hiểm xã hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý đối tượng trên phần mền công nghệ; chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ lập danh sách báo số tăng, giảm hàng tháng để tránh việc lập danh sách nhiều lần dẫn đến tình trạng sai thông tin. Đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường tuyên truyền, phối hợp tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, qua đó nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng khi tham gia bảo hiểm y tế; đảm bảo việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân luôn đầy đủ và kịp thời… tạo cơ sở vững chắc tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2020./.

Vũ Quang Đán

Có thể bạn quan tâm