Ấm áp trên vùng đất mới

Ấm áp trên vùng đất mới
Theo chương trình tái định cư thủy điện Lai Châu, đầu năm 2014, hai bản của người Si La có hơn 150 hộ bên kia sông Đà thuộc vùng ngập lòng hồ nên đã được di chuyển lên gần trung tâm xã. Về nơi ở mới, các hộ dân được phân chia đất để dựng nhà kiên cố, hỗ trợ đời sống và con giống chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Hơn 3 năm qua, đồng bào người Si La đã ổn định cuộc sống, các con được tới trường gần nhà, đi lại thuận tiện.

Người dân ở đây cho biết, trước kia ở chỗ cũ, hàng ngày bà con chỉ loanh quanh với việc săn bắt thú rừng và hái lượm để kiếm kế sinh nhai. Sau này khá hơn, bà con biết chọc lỗ, tra hạt để có thêm hạt ngô, hạt thóc phục vụ bữa ăn hàng ngày. Cuộc sống cứ quanh quẩn với đói nghèo, lạc hậu, ít giao lưu với bên ngoài, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao. Người dân muốn ra bên ngoài thì phải dùng thuyền hoặc bè mảng để vượt sông.

Ấm áp trên vùng đất mới ảnh 1
Chiến sỹ biên phòng với đồng bào dân tộc Si La. Ảnh minh họa
Ông Hù Chà Hù, Trưởng bản Sì Thao Chải chia sẻ: “Trước đây ở bản cũ rất khó khăn, cho con em đi học hay mua bán cái gì cũng không tiện. Mùa cạn nước rút còn dễ dàng qua sông để mua bán, mùa mưa nước dữ nên muốn qua sông rất khó. Để qua sông Đà, đã có không ít người trong bản phải bỏ mạng dưới dòng sông. Thiếu ăn, thiếu thốn về văn hóa cộng với phong tục tập quán lạc hậu đã kìm hãm sự phát triển của đồng bào. Lúc ở bản cũ thì 99% là hộ nghèo, giờ thì số hộ nghèo đã giảm qua từng năm. Ở bản mới thuận lợi hơn, bà còn biết chăn nuôi lợn, gà, làm trang trại nên đời sống khấm khá hơn nhiều. Nhờ dự án dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của Ủy ban Dân tộc và nhất là dự án tái định cư lòng hồ thủy điện Lai Châu, giờ đây cuộc sống của bà con đã đổi khác rồi.

Năm nhân khẩu của gia đình chị Hồ Cố De, ở bản tái định cư Sì Thao Chải, xã Ka Hồ, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) không còn phải lo bữa ăn từng ngày như trước, đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. Giờ đây, ngoài việc tập trung làm ruộng nương, gia đình chị đã biết chăn nuôi và mở thêm một quán tạp hóa nhỏ phục vụ bà con trong bản. Nhờ chuyển về bản mới thuận lợi, được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách trồng trọt và chăn nuôi, gia đình chị biết áp dụng vào mô hình sản xuất của gia đình, từ đó cuộc sống cũng dần ổn định.

Chị Hồ Cố De tâm sự: “Trước ở bản cũ bên kia sông Đà, cái gì cũng khó khăn. Hai vợ chồng chỉ biết phát nương làm rẫy, lên rừng kiếm rau rừng và củ mài để sinh sống. Khó nhất là trường lớp cách trở nên đám trẻ trong bản không được đến trường đầy đủ, mỗi khi trời mưa gió thì phải nghỉ học vì không thể vượt sông. Về bản mới cái gì cũng thuận tiện, bà con trong bản đã biết cách làm ăn, không còn phải lo ăn từng bữa như trước”.

Ấm áp trên vùng đất mới ảnh 2
Cuộc sống của người Si La ở Kan Hồ giờ đây đã dần ổn định. Ảnh minh họa

Ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết: “Đồng bào Si La ở bên kia sông Đà, ít có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài. Mặc dù, người dân đã được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước nhưng đời sống vẫn khó khăn. Tái định cư lên vùng đất mới, gần trung tâm xã nên điều kiện phát triển tốt hơn. Bà con đi lại và trao đổi hàng hóa thuận lợi hơn so với nơi ở cũ, đời sống được nâng lên. Con em đồng bào Si La đã có nhiều hạt giống làm cán bộ xã, huyện và tỉnh”.          

Người Si La ở xã Kan Hồ, huyện Mường Tè hiện nay sinh sống ở hai bản tái định cư Sì Thao Chải và Seo Hai, có 600 nhân khẩu. Nhờ các nguồn hỗ trợ, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân, đến nay bà con đã dần đẩy lùi đói nghèo khi tỷ lệ chỉ còn gần 30%.

Những con đường mòn nối dài gập ghềnh dẫn vào bản làng người Si La đã được thay bằng các trục đường nhựa và bê tông. Những mảnh vườn quanh nhà đã rợp bóng mát của chuối và nhiều loại cây ăn quả. Các hộ dân đã có ti vi, tủ lạnh, xe máy. Con em đồng bào Si La ở xã Kan Hồ giờ đây đã được cắp sách đến trường thuận lợi. Người dân không còn phải “hụt trước thiếu sau”, chạy ăn từng bữa như trước. Đồng bào Si La đã được ấm áp, no đủ và ổn định trên vùng đất mới./.
Việt Hoàng

Có thể bạn quan tâm