45 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam

45 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam
Nắm rõ kẻ thù để chủ động đối phó 

Cuối năm 1972, Việt Nam và Mỹ đáng lẽ đã đi tới một hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, nhưng Washington lại quyết định dùng sức mạnh của "át chủ bài" cuối cùng là máy bay ném bom chiến lược B52, để âm mưu “đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá”, sử dụng sức mạnh quân sự để buộc ta phải chấp nhận những điều kiện áp đặt của họ trên bàn đàm phán. 
 
Tự vệ Thủ đô nổ súng quyết liệt đánh trả máy bay B-52 của Mỹ đêm 19, rạng sáng 20/12/1972. Ảnh: Minh Lộc - TTXVN.
Tự vệ Thủ đô nổ súng quyết liệt đánh trả máy bay B-52 của Mỹ đêm 19, rạng sáng 20/12/1972. Ảnh: Minh Lộc - TTXVN.

Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh cho Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân lập kế hoạch sử dụng máy bay B52 đánh phá Hà Nội mang tên "Chiến dịch Linebacker II". Trong 12 ngày đêm kể từ ngày 18/12, Mỹ đã huy động 663 lượt máy bay B52, 3.920 lượt máy bay chiến thuật tấn công Hà Nội và các tỉnh miền Bắc của Việt Nam. 

Trước tình hình đó, quân đội Việt Nam đã triển khai, bố trí lực lượng đối phó với quân địch, đồng thời lên kế hoạch sơ tán người dân đến khu vực an toàn. Sau 4 ngày khẩn trương thực hiện, Hà Nội đã chuyển ra khỏi nội thành 26 vạn người. 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, năm nay đã 93 tuổi, là một trong những sỹ quan chỉ huy đầu tiên trực tiếp tham gia trận đánh khẳng định, một trong những nhân tố dẫn đến thắng lợi trong trận Điện Biên Phủ trên không là phải hiểu, nắm rõ được âm mưu của kẻ thù. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhớ lại: Trước khi tấn công miền Bắc, tình báo của ta đã nắm được kế hoạch cụ thể của quân đội Hoa Kỳ. Ngay từ sáng sớm ngày 18/12, ông cùng kíp trực ban chiến đấu đã có mặt tại sở chỉ huy để tiếp nhận mọi thông tin của lực lượng tình báo gửi về. Sau khi nắm rõ ngày giờ tấn công cùng số lượng máy bay mà Hoa Kỳ sẽ huy động, Thiếu tá Nguyễn Văn Minh (cấp bậc lúc bấy giờ) lập tức báo cáo với Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Văn Tiến Dũng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngay sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh cho lực lượng Phòng không - Không quân triển khai kế hoạch, sẵn sàng chiến đấu và báo động toàn bộ Hà Nội, Hải Phòng; đồng chí Văn Tiến Dũng trực tiếp sang đơn vị chỉ huy tác chiến. 

"Chỉ vài giờ sau đó, từng đàn máy bay B52 đã rền vang trên bầu trời Hà Nội. Từng loạt bom rung chuyển thành phố. Trong những giờ phút cam go và quyết định ấy, từ hầm sở chỉ huy tác chiến, liên tiếp các mệnh lệnh chiến đấu chính xác, kịp thời được phát ra cho các đơn vị tên lửa, phòng không quyết đánh trúng đích...", Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể lại. 
 
Máy bay của ta xuất kích tiêu diệt địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Máy bay của ta xuất kích tiêu diệt địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sau nhiều giờ chiến đấu căng thẳng, từng đơn vị Không quân liên tục báo tin chiến thắng, cùng lúc đó đài quan sát trên đỉnh cột cờ đã nhìn thấy những đám cháy lớn trên bầu trời phía Bắc. Trời sáng, trực ban sở chỉ huy bấm công tắc báo cáo lãnh đạo: Trận đánh B 52 đêm 18 rạng ngày 19/12 kết thúc, quân đội ta đã bắn rơi 3 máy bay B52 của Mỹ, 5 máy bay phản lực chiến đấu, bắt sống 7 giặc lái. 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho biết: Đây là cuộc chiến mà Hoa Kỳ đã tập trung lực lượng mạnh nhất từ trước tới nay trong chiến tranh nhằm gây sức ép đối với Việt Nam, gồm tàu sân bay hiện đại, sử dụng công nghệ cao lần đầu tiên được áp dụng trong quân sự. Tuy nhiên, đêm 18/12/1972, đêm mở màn chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” đã trở thành đêm chiến thắng của quân và dân ta. Chiến công này mang dấu ấn thời đại sâu sắc, thể hiện sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam, để lại những bài học, kinh nghiệm vô giá về phát huy trí tuệ, tài thao lược, sự huy động sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi trước cuộc tấn công bằng quy mô lớn của kẻ thù. 

Cẩm nang quý đem lại chiến thắng 

Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc Việt Nam trong toàn bộ thời kì từ năm 1969 đến 1971. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, Quân chủng Phòng không - Không quân có một “bảo bối” rất quan trọng, hỗ trợ tác chiến góp phần tạo nên chiến thắng, đó là cuốn “Cách đánh B52 của Bộ đội tên lửa” hay còn gọi là “Cẩm nang bìa đỏ”. 

Đại tá Nguyễn Xuân Minh, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân, người trực tiếp tham gia viết cuốn "Cẩm nang bìa đỏ" cho biết, B52 là một loại máy bay ném bom rất hiện đại lúc bấy giờ. Trước khi quân đội Hoa Kỳ thực hiện kế hoạch tấn công miền Bắc bằng máy bay B 52, quân đội Việt Nam đã nghiên cứu cách bắn hạ hiệu quả nhất từ những trận chiến trước đó có sự xuất hiện của B52. 

Là một sỹ quan từng qua đào tạo quân sự tại Liên Xô (cũ), Đại tá Nguyễn Xuân Minh rất am hiểu về B52, nên được giao nhiệm vụ cùng các chuyên gia khác nghiên cứu cách đánh loại máy bay được mệnh danh là "Pháo đài bay" này. Đầu năm 1972, Đại tá Nguyễn Xuân Minh cùng những sĩ quan có trình độ chiến thuật giỏi, dày dạn trong chiến đấu như: Nguyễn Sinh Huy, Tô Ngội, La Văn Sàng, Vũ Lai Trường, Nguyễn Xuân Minh, Quách Hải Lượng, Trần Xanh, Hoàng Bảo… được yêu cầu phải gấp rút hoàn chỉnh tài liệu về cách đánh B52 cho bộ đội tên lửa. Tháng 11/1972, cẩm nang Cách đánh B52 của Bộ đội tên lửa đã được hoàn chỉnh và chính thức được phổ biến đến tất cả các tiểu đoàn tên lửa. 

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Minh, tập thể tác giả đã chỉ rõ để bắn trúng B52 quan trọng nhất là tìm trong dải nhiễu tín hiệu của B52. Đó là các đám nhiễu tín hiệu mịn trôi dần theo tốc độ di chuyển của B52. Tuy các đám nhiễu này kích thước to nhưng không hiển thị rõ rệt để có thể xác định mục tiêu và điều khiển tên lửa chính xác, và cẩm nang đã đề ra biện pháp bắn theo xác suất. Nghĩa là bắn một loạt quả đạn tên lửa vào đám nhiễu theo cự ly giãn cách nhất định sẽ có xác suất tiêu diệt mục tiêu khá cao. Phương án bắn xác suất này được cẩm nang gọi là “phương án P”. Khi mục tiêu B52 đi thẳng vào, đài phát cường độ nhiễu sẽ tăng lên, mục tiêu hiển thị khá rõ nét. Đây là thời cơ có thể điều khiển tên lửa chính xác, chỉ cần bắn 1 đến 2 quả tên lửa, B52 sẽ phải rơi tại chỗ. 

Nhờ nắm bắt được kế hoạch tấn công của địch cũng như vận dụng tài tình phương án tác chiến, trong 12 ngày đêm, cuộc tập kích chiến lược ồ ạt và tàn bạo bằng B52 của Mỹ đã thất bại hoàn toàn. Quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác, bắt 43 phi công Mỹ (có 33 phi công B-52). 

Thiếu nữ làng hoa Ngọc Hà tưới hoa đón mùa xuân chiến thắng bên xác máy bay B-52 của Mỹ (12/1972). Ảnh: Văn Bảo - TTXVN
Thiếu nữ làng hoa Ngọc Hà tưới hoa đón mùa xuân chiến thắng bên xác máy bay B-52 của Mỹ (12/1972). Ảnh: Văn Bảo - TTXVN

Sau 45 năm, chiến thắng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời miền Bắc vẫn còn nguyên giá trị lịch sử; mở ra thời cơ lớn cho quân và dân ta giành thắng lợi quyết định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân 1975. Quân và dân miền Bắc nói chung, người dân Thủ đô Hà Nội nói riêng đã chứng tỏ với những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới rằng, sức mạnh của bom đạn không thể hủy diệt được tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và quyết tâm chiến đấu, chiến thắng của nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội.

Đỗ Bình

Có thể bạn quan tâm