"Vua khèn" Thào A Dín ở Si Ma Cai

"Vua khèn" Thào A Dín ở Si Ma Cai
Nhạc cụ gắn bó mật thiết với cộng đồng

Si Ma Cai gọi theo tiếng dân tộc Mông có nghĩa là Xênh Mùa Ca. Trong căn nhà trình tường nằm lọt sâu dưới chân ruộng bậc thang của thôn Sín Chải có tiếng khèn í ố hắt lên. Đi theo âm thanh dặt dìu đầy mê dụ ấy, chúng tôi đã đến được nhà của Nghệ nhân ưu tú Thào A Dín - vua khèn vùng cao Xênh Mùa Ca.

Nghệ nhân ưu tú Thào A Dín năm nay bước sang tuổi 85. Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn “ăn khèn, ngủ khèn”. Ông Dín kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cái duyên gắn bó cả cuộc đời với nghiệp dùng tiếng khèn tiễn người khuất núi.

Nghệ nhân Thào A Dín thổi khèn. Ảnh: Hồng Ninh - TTXVN
Nghệ nhân Thào A Dín thổi khèn. Ảnh: Hồng Ninh - TTXVN

Nơi miền núi đá mà ông sinh ra, những đứa trẻ khi còn chưa lọt lòng mẹ đã được nghe tiếng khèn Mông của ông cha. Rồi khi lớn lên họ biết cầm khèn theo mẹ lên nương, theo cha xuống chợ phiên ăn thắng cố. Tiếng khèn làm bạn với họ thời thơ ấu, gọi bạn những đêm trăng, rồi tiếng khèn lại tiễn họ về với núi. Sống giữa cái nôi của nền văn hóa ấy nên tiếng khèn đã ngấm vào máu thịt ông. Khi mới 12 tuổi ông đã khăn gói sang huyện Xín Mần (Hà Giang) theo ông Thào A Pao - “thần khèn” trên mảnh đất Xín Mần để học hỏi, tìm hiểu thêm về động tác, ý nghĩa các bài khèn. Đến năm 17 tuổi, chàng trai trẻ Thào A Dín đã múa điêu luyện các bài khèn. Sau khi học xong, ông Dín trở lại quê hương, mang kiến thức học được đi phục vụ cộng đồng. Ông múa khèn với các nghệ nhân ở khắp các xã của Si Ma Cai như Cán Cấu, Mản Thẩn, Nàn Sán… Đi đến đâu người dân đều quý trọng và nể phục tài năng múa khèn đến đó, ông Thào A Dín được dân làng phong cho danh hiệu thầy khèn.

Tiếng tăm nổi lên từ đó và ông luôn được người dân trong vùng mời làm chủ tang chí kềnh (thầy khèn) tham gia các nghi lễ tang ma, nhù đà và chí tào (chủ tào) trong lễ hội Gầu Tào (Lễ hội xuống đồng của đồng bào vùng cao thường được tổ chức vào dịp đầu xuân).

Sau một hồi trò chuyện, ông Dín lại đưa tay lấy chiếc khèn đứng lên thổi cùng thực hiện những động tác tay chân kết hợp múa. Ông múa bài khèn vượt biển để tiễn một người đàn ông về với tổ tiên. Tiếng khèn cất lên í í, ồ ồ… âm thanh lúc trầm, lúc bổng nhưng liên tục không ngắt ngừng như làn gió thổi, tiếng suối reo. Ông Dín cho biết bài này là bài ông thổi nhiều nhất trong cuộc đời cầm khèn của mình và để lại cho ông nhiều trăn trở. Bài này nói về quá trình di cư vượt biển của người Mông. Trong tang lễ, điệu khèn vượt biển mô tả về quá trình di cư đến và đưa hồn ma vượt biển về nơi khởi nguồn.

Dù biết, thành thạo hơn 150 bài khèn nhưng ông vẫn gắn bó và thể hiện nhiều nhất các bài khèn trong lễ tang. Mỗi một đám tang, gia chủ chỉ biếu ông một cân thịt mang về nhưng ông cảm thấy trong lòng thoải mái vì tiếng khèn của mình tiễn đưa được người đã khuất về với tổ tiên thanh thản và siêu thoát.

Truyền dạy cho thế hệ trẻ

Nhiều năm qua, Nghệ nhân ưu tú Thào A Dín luôn đam mê múa khèn phục vụ đồng bào. Đến nay, ông đã múa và thổi khèn thành thục khoảng hơn 100 bài với kỹ thuật cao như thổi tỏ tình, thổi tiễn đưa người đã chết về thế giới bên kia... Đồng thời ông hát thành thạo khoảng 50 bài dân ca về tình yêu, gia đình; ông có thể múa được 15 bài võ dân tộc (võ gậy, võ kiếm, võ liềm…) và đọc thông thạo trên 50 truyện cổ tích của dân tộc Mông.

Học khèn và biểu diễn từ ngày còn nhỏ, đến khi bước qua tuổi 55, sức khỏe của ông yếu dần đi nên ông ít đi múa khèn mà bắt đầu dậy học trò. Ông chia sẻ: “Khèn ở bên mình phải luôn được bảo quản kỹ, lúc nào cũng luôn treo trên cao, để đầu thổi ngược xuống, nhét bông vào các lỗ trên khèn để không cho tò vò chui vào làm tổ. Ông lo những thế hệ trẻ ở rẻo cao này sẽ không còn đam mê với tiếng khèn dân tộc, không còn giữ được nét đẹp của người Mông. Vậy nên dù sức đã yếu ông vẫn luôn sẵn lòng cầm cây khèn lên, chỉ dạy cho thế hệ sau. Ông Dín tâm sự, mình sẽ vẫn còn khèn cho đến khi đôi tay không thể nắn phím, miệng không thể thổi ra hơi…”.

Đến nay, ông đã truyền dạy được khoảng 155 học trò. Những người được ông truyền dạy cũng đã có kinh nghiệm diễn khèn trong các nghi lễ. Năm 2013, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã mời ông phối hợp thực hiện dự án “Khôi phục và truyền dạy điệu múa khèn vượt biển của người Mông trắng ở xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai” do Quỹ “Hỗ trợ bảo tồn văn nghệ dân gian” (CEEVN) tài trợ. Ông đã nhiệt tình phối hợp thực hiện, góp phần khôi phục và truyền dạy thành công điệu múa trên cho thế hệ thanh niên dân tộc Mông. Cũng tại năm đó, ông được nhận bằng “Nghệ nhân dân gian” của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông, ngày 13/11/2015, ông Thào A Dín vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian.
Hồng Ninh - Cao Hương

Có thể bạn quan tâm