Vũ điệu Arya gắn kết cộng đồng người Chu Ru

Vũ điệu Arya gắn kết cộng đồng người Chu Ru
Suốt một thời gian dài rơi vào quên lãng, điệu dân vũ Tamya Arya của người Chu Ru bỗng được hồi sinh với sức sống mãnh liệt. Trong những năm qua, điệu múa dân dã này không ngừng lan tỏa, góp phần gắn kết cộng đồng các dân tộc vùng Đơn Dương (Lâm Đồng).
Một ngày chớm đông. Khi ánh mặt trời vụt tắt sau chân núi thiêng K’Lơl, dân làng Chu Ru lại tề tựu về trung tâm buôn Diom A (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương) cùng vui ngày hội đại đoàn kết. Ánh lửa huyền ảo rực sáng giữa sân trường Tiểu học Lạc Xuân. Ngày hội của buôn làng, không chỉ thanh niên nam nữ mà cả những cụ cao niên cũng đến góp vui. Trong không gian tĩnh mịch của đại ngàn, tiếng chiêng quen thuộc vang lên, quyện với thanh âm rơkel (kèn bầu) và tiếng trống da trâu, “Dàn nhạc Ma Bio” mở màn ngày hội với Tamya Arya - điệu dân vũ đại diện cho tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng của dân tộc Chu Ru.
Người dân cùng vui ngày hội đoàn kết tại buôn Diom A với vũ điệu Arya
Người dân cùng vui ngày hội đoàn kết tại buôn Diom A với vũ điệu Arya
Trong văn hóa của người Chu Ru, có những vũ điệu (Tamya) khác nhau nhưng điệu Arya mang tính cộng đồng cao hơn cả. Arya là một điệu múa cơ bản, thể hiện tình đoàn kết dân tộc và thường được sử dụng trong các lễ hội, gặp mặt cộng đồng bởi nó đơn giản, dễ thực hiện. Tamya Arya không mạnh mẽ, nóng bỏng mà nhẹ nhàng, uyển chuyển, quyến rũ đến nao lòng. Nghệ nhân Touneh Ma Bio (người góp công hồi sinh vũ điệu Arya) tâm sự: “Tuy là điệu múa truyền thống nhưng suốt một thời gian dài, Arya đã bị lãng quên. Vài năm trở lại đây, điệu dân vũ này được hồi sinh và trở thành điệu múa không thể thiếu trong các dịp lễ hội, tết đến của người Chu Ru trong vùng”.
Có lẽ là cơ duyên. Tamya Arya được hồi sinh nhờ công lớn của người đàn bà yêu văn hóa - Touneh Ma Bio ở buôn Diom A. Thế nên vùng này như cái nôi hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của người Chu Ru. Nghệ nhân Ma Bio là một bảo tàng sống. Đội cồng chiêng của bà là hạt nhân kết nối cộng đồng mỗi khi họ trình diễn những vũ điệu quyến rũ của ngàn xanh cao nguyên. Nhờ tiếng chiêng, nhờ điệu múa, tình đoàn kết gắn bó của bà con trong buôn làng ngày một keo sơn, thắm thiết. Già làng Ya Toàn (buôn Diom A, xã Lạc Xuân) nhận xét: “Nhờ thực hiện tốt phong trào đại đoàn kết mà trong những năm qua, diện mạo đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương ngày càng có nhiều chuyển biến. Đặc biệt là tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, mối quan hệ gắn bó, đoàn kết tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ lẫn nhau giữa bà con nhân dân trong khu dân cư ngày càng bền chặt”.
Quả thực, Diom A được coi là hình mẫu về xây dựng đời sống văn hóa, đoàn kết dân tộc ở xứ Đơn Dương. Trong những năm qua, không những kinh tế được nâng lên mà đời sống văn hóa tinh thần của bà con trong vùng ngày càng tiến bộ. Toàn thôn hiện có 210 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu. Trong năm 2015, Diom A tiếp tục đạt danh hiệu thôn văn hóa với 168 hộ đại gia đình văn hóa, bà con trong buôn làng đã ý thức được việc đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách rõ rệt.
Trưởng thôn Diom A, ông Ya Kiệm, hồ hởi cho biết: “Nhờ những hoạt động giao lưu văn hóa mà trong những năm gần đây chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ngày càng được nâng lên. Nhân dân và cán bộ đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và hăng hái tham gia thực hiện phong trào yêu nước, đoàn kết dân tộc”.
Trong những ngày vui, người Chu Ru thường tấu nhạc với điệu Arya. Đó là lễ mừng lúa mới, cúng thần đập nước, mừng nhà mới hay dịp cưới hỏi của thanh niên trong làng. Khi ấy, dân làng cùng nhau biểu diễn điệu dân vũ Arya - điệu múa mà ai cũng biết, cũng thích. Qua tiếng nhạc, điệu múa, người lạ thành quen, thành dân bản địa, thành người Chu Ru. Cô giáo Nguyễn Thùy Trang (quê huyện Bảo Lâm) cứ bồi hồi: “Được tham gia ngày hội cùng bà con buôn làng mình vui lắm. Tình cảm nồng ấm cùng điệu múa duyên dáng khiến mình như quên mất là người ở nơi xa tới công tác. Mình cứ như một phần của Diom A, một người con của dân tộc Chu Ru vậy”.
Theo baolamdong.vn
Dân tộc Chu Ru Dân tộc Chu Ru

Tên gọi khác: Chơ Ru, Kru, Thượng.

Dân số: 19.314 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô - Polynêxia, (ngữ hệ Nam Ðảo), gần với tiếng Chăm. Có một bộ phận người Chu Ru sống gần với người Cơ Ho nên nói tiếng Cơ Ho (thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me).

Lịch sử: Có lẽ xa xưa, tổ tiên người Chu Ru là một bộ phận trong khối cộng đồng Chăm; về sau, họ chuyển lên miền núi sống biệt lập với cộng đồng gốc nên thành người Chu Ru.

Hoạt động sản xuất: Người Chu Ru sống định cư, định canh trên cơ sở một truyền thống nông nghiệp từ lâu đời. Ruộng ở đây có hai loại: ruộng sình và ruộng khô. Việc làm thuỷ lợi bằng mương, phai, đê, đập được chú trọng. Vườn có trên rẫy và vườn ở gần nhà. Chăn nuôi có gia súc và gia cầm. Săn bắn, hái lượm và đánh cá là hoạt động thường xuyên. Nghề thủ công gia đình được phổ biến có đan lát, gốm thô

Ăn: Lương thực chính là gạo tẻ được nấu trong những nồi đất nung tự tạo. Lương thực phụ có ngô, khoai, sắn. Thức ăn có măng rừng, rau đậu, cá suối, chim thú săn bắn được. Thức uống có rượu cần và rượu cất. Nam nữ đều thích hút thuốc lá sợi bằng tẩu.

Mặc: Nghề dệt không phát triển nên những sản phẩm của y phục như: váy, áo, khố, mền, địu... có được đều do trao đổi với các tộc láng giềng như: Chăm, Cơ Ho, Raglai, Mạ...

: Hiện tại, họ sống ở hai xã Ðơn và Loan thuộc huyện Ðơn Dương, một số khác ở huyện Ðức Trọng và Di Linh tỉnh Lâm Ðồng. Tại hai huyện An Sơn và Ðức Linh thuộc tỉnh Ninh Thuận cũng có vài ngàn người Chu Ru sinh sống. Người Chu Ru ở nhà sàn làm bằng tre, gỗ, bương, mai, lợp bằng cỏ tranh. Họ cư trú theo đơn vị làng (plei) và những gia đình thân thuộc thường xây cất nhà cửa gần gũi nhau.

Phương tiện vận chuyển: Chiếc gùi nan cõng trên lưng vẫn là phương tiện vận chuyển được sử dụng thường xuyên cho mọi người.

Quan hệ xã hội: Quan hệ chủ đạo trong cơ cấu xã hội Chu Ru là gia đình mẫu hệ với vai trò được tôn vinh là người phụ nữ, người thừa kế của gia đình, dòng họ mẹ. Nếu nhìn vào bộ máy tự quản ở các làng thì ta thấy người đàn ông đang đứng mũi chịu sào trong mọi lĩnh vực để cho xã hội được vận hành theo định hướng của ông bà xưa. Thực ra, họ đã hành động theo ý chí của người vợ, người chủ nhân ngôi nhà mà họ đang cư ngụ theo tục cưới chồng. Xã hội đã có sự phân hoá giàu, nghèo nhưng không có sự xung đột giữa hai tầng lớp ấy trong làng.

Cưới xin: Người phụ nữ chủ động trong quan hệ lứa đôi. Việc "hỏi chồng" và "Cưới chồng" được thực hiện qua những thông tin ở việc trao tặng chàng trai chiếc nhẫn và chuỗi hạt cườm. Sau lễ cưới, người con gái phải ở dâu nửa tháng tại gia đình chồng để chờ lễ đón rể về nhà. Họ cư trú phía nhà gái.

Ma chay: Người Chu Ru theo tục thổ táng tại nghĩa địa chung của làng. Xưa kia, việc ma chay thường được tổ chức linh đình với lễ hiến sinh trâu bò.

Nhà mới: Việc dựng nhà mới được coi trọng với sự tập trung tâm lực của gia đình chủ và sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng làng. Khi khánh thành nhà mới và dọn về ở nhà mới, họ hàng và cả làng quây quần giúp đỡ. Họ tổ chức tiệc mặn để cầu cúng thần linh, thụ lộc và chia vui cùng gia chủ.

Lễ tết: Một năm với chu kỳ canh tác ruộng nước, người Chu Ru có nhiều nghi lễ như: cúng thần đập nước, thần mương nước, thần lúa khi gieo hạt, ăn mừng lúa mới, cúng sau mùa thu hoạch. Ðáng lưu ý là lễ cúng thần bơnung vào tháng hai âm lịch, dân làng thường hiến sinh dê. Và lễ cúng Yang Wer, một cây đại thụ ở gần làng, được coi là nơi ngự trị của các thần linh. Người ta thường làm những hình nộm dã thú bằng gỗ hay củ chuối để đặt dưới gốc cây.

Lịch: Người Chu Ru theo lịch âm, tính tháng chu kỳ canh tác nông nghiệp của tổ tiên xưa.

Học: Trước kia, người Chu Ru không có chữ viết, mọi sự truyền đạt, thông tin đều qua truyền khẩu.

Văn nghệ: Vốn ca dao, tục ngữ rất phong phú, phản ánh việc đề cao vai trò phụ nữ, ca ngợi chế độ gia đình mẫu hệ. Về nhạc cụ, đáng lưu ý là trống, kèn và chiêng. Ngoài ra còn một số nhạc cụ khác như: r’tông, kwao, terlia là những nhạc cụ đặc sắc của người Chu Ru. Trong hội hè, nhạc cổ truyền Chu Ru thường được cất lên cùng với vũ điệu tamga nổi tiếng.

Chơi: Sở thích của trẻ em là đánh cù, chơi thả diều (diều bướm và diều sáo). Chúng cũng hay chơi trò kéo co, đi cà kheo, đuổi bắt nhau...

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm