Tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội (Bài 2)

Tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội (Bài 2)
Bài 2: Nhiều khó khăn trong tu bổ di tích 

Với số lượng lớn cùng giá trị đặc thù, việc tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội không đơn giản như việc xây dựng, mô phỏng một công trình kiến trúc mới mà là sự tổng hợp của nhiều hoạt động chuyên ngành, đòi hỏi nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện. Thực tế cho thấy, nguồn lực là vấn đề khó khăn nhất trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích lich sử, văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nguồn lực hạn chế

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, giai đoạn 5 năm từ 2012-2017, Hà Nội đã triển khai tu bổ, chống xuống cấp cho khoảng 200 lượt di tích. Trong đó, ngân sách thành phố chi 270 tỷ đồng cho 13 di tích thuộc diện thành phố quản lý; hỗ trợ tu sửa 74 di tích thuộc cấp huyện quản lý. Bên cạnh đó, thành phố gắn biển 76 địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến; tu bổ, chỉnh trang 26 lượt di tích lịch sử cách mạng kháng chiến với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, từ năm 2012 đến năm 2015, thành phố đã cấp 10 tỷ đồng cho việc tu bổ 15 di tích.


Tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội (Bài 2) ảnh 1
Chùa Một Cột như một đóa sen lớn vươn lên từ mặt nước.
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Thực tế cho thấy, hiện nay, nguồn lực tu bổ, tôn tạo di tích ở nhiều địa phương còn hạn chế, nhất là tại các huyện ngoại thành. Do thiếu nguồn lực trong khi số lượng công trình cần tu bổ, tôn tạo lớn, ngân sách bố trí dàn trải nên hầu hết các công trình mới chỉ dừng lại ở việc sửa chữa, chằng chống tạm thời.

Tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội (Bài 2) ảnh 2
Chùa Một Cột là địa chỉ không thể thiếu đối với du khách khi đến Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Huyện Thường Tín là địa phương có quần thể di tích đồ sộ bậc nhất thành phố, đa số các di tích có niên đại khoảng 300 năm. Tuy nhiên, trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt cùng sự bào mòn của thời gian, rất nhiều di tích bị hư hỏng, xuống cấp. Thành phố và huyện đã quan tâm đầu tư, song do nguồn thu hạn chế, kinh phí dành cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích rất nhỏ. Giai đoạn 2010-2011, thành phố đã hỗ trợ huyện đầu tư trên 30 tỷ đồng để tôn tạo 2 di tích gồm tòa Tam Bảo chùa Đậu và đình Khánh Vân. Giai đoạn 2013-2015, UBND huyện Thường Tín hỗ trợ mỗi di tích từ 100 - 300 triệu đồng để chống xuống cấp; năm 2017 đầu tư 4,5 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo một số di tích khác.

Tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội (Bài 2) ảnh 3
Một góc chùa Một Cột. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Còn tại huyện Ứng Hòa, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết: Trong tổng số 433 di tích trên địa bàn huyện nhiều di tích đã xuống cấp, trong đó 25 di tích xuống cấp nghiêm trọng, một số di tích có nguy cơ sụp đổ. Thời gian qua, thành phố và huyện đã bố trí ngân sách đầu tư, tôn tạo, sửa chữa di tích nhưng do nguồn thu thấp nên việc đầu tư không đáng kể.

Tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội (Bài 2) ảnh 4
Chính diện kiến trúc chùa Một Cột. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Khó khăn về kinh phí trong tu bổ, tôn tạo di tích là vấn đề chung của nhiều địa phương khác như: Huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm…Qua giám sát thực tế, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội nhận định, việc tu bổ, tôn tạo di tích hiện mới chỉ tập trung vào các di tích nổi tiếng, đông khách tham quan, các di tích còn lại hầu như  chưa được đầu tư hoàn chỉnh từ kiến trúc tới hạ tầng…

Nhân lực thiếu và yếu

Không chỉ hạn chế về nguồn kinh phí, công tác giữ gìn, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa ở Hà Nội còn đối diện với nhiều khó khăn vừa mang tính chủ quan, vừa có tính khách quan.

Tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội (Bài 2) ảnh 5
Những cột gỗ và dầm gỗ liên kết với nhau trong chùa một Cột. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, vấn đề hiện hữu nhất là số lượng di tích lớn, có tuổi đời hàng trăm năm và trải trên địa bàn rộng nên dù được quan tâm tu bổ, nhiều di tích vẫn xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, công tác quản lý di tích cần đội ngũ cán bộ có kiến thức, kinh nghiệm và sự phối hợp của nhiều cấp, ngành liên quan. Thực tế hiện nay cho thấy, nhân sự làm công tác quản lý di tích cấp huyện ở các phòng Văn hóa - Thông tin chỉ có một người, trong khi đó lại phải đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khác nên hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội (Bài 2) ảnh 6
Nghê được đắp nổi trước lối lên chùa Một Cột. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn và nhân sự tham gia hoạt động tu bổ di tích nhiều nơi còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng, còn xảy ra tình trạng không nắm được các hoạt động tại di tích, tự ý đưa hiện vật vào di tích, tự ý hạ giải, tu bổ di tích… khi chưa được cho phép.

Tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội (Bài 2) ảnh 7
 Cánh cổng chùa Một Cột với những hoa văn trên gỗ rất đặc sắc.
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Công tác thiết kế, thi công tu bổ di tích cũng rất cần đội ngũ cán bộ, thợ lành nghề thực hiện bởi đây là công việc mang tích đặc thù, đòi hỏi giữ gìn nguyên vẹn các yếu tố gốc cấu thành di tích. Tuy nhiên, hiện các cán bộ kỹ thuật, đội ngũ nghệ nhân, thợ lành nghề tham gia tu bổ di tích lại không nhiều…

Bên cạnh đó, dù hệ thống văn bản liên quan trong lĩnh vực di tích đã được ban hành tương đối đầy đủ nhưng trong quá trình thực hiện, việc kết hợp giữa các bộ luật còn khiến nhiều địa phương lúng túng nhất là trong bước thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế, bản vẽ thi công, gây mất thời gian.

Tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội (Bài 2) ảnh 8
Tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát trong chùa Một Cột. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Đáng chú ý, việc khoanh vùng bảo vệ di tích khi lập hồ sơ xếp hạng trước Luật Di sản Văn hóa năm 2011 còn bất cập khi thể hiện trên các loại bản đồ khác nhau như bản đồ trải thửa, bản trích đo, bản đồ trích lục, sơ đồ… nên khi đối chiếu với thực tế sử dụng hiện nay, các đơn vị gặp khó khăn trong việc xác định ranh giới, diện tích di tích để tiến hành trùng tu, tôn tạo.
Mai Linh

Có thể bạn quan tâm