Trở lại Moso

Trở lại Moso
Hang động Moso. Ảnh: INTERNET
Hang động Moso. Ảnh: INTERNET

Moso nằm đấu lưng với hòn Phụ Tử, gần Thạch Động, Sa Kỳ và Đá Dựng, biên giới Việt Nam - Campuchia.

Nhìn từ bên ngoài thì Moso có một dáng vẻ uy nghi, hùng vĩ như bao nhiêu dãy núi khác ở phía Nam, nhưng Moso còn có cái duyên dáng mềm mại riêng của miền đá trắng. Cấu trúc bên trong của Moso lại càng đặc biệt. Bên dưới hang như có một con sông ngầm, chảy thông suốt từ miệng hang bên này sang miệng hang bên kia. Nóc hang cao vời vợi nhưng rất tĩnh lặng và vững chãi.

Trong hệ thống hang ở Moso, tôi phát hiện có một cái hang dài gần 500m. Bên dưới là dòng nước trong veo tạo nên dòng chảy bất tận và một âm thanh nhẹ nhàng, êm ả. Từ bao đời dòng nước đã bào mòn các phiến đá, khiến chúng nhẵn bóng như tráng xi măng. Chỉ ngoài miệng hang vào là hơi tối phải rọi đèn pin, nhưng vào sâu bên trong thì ánh sáng và gió thổi rất thông thoáng và dễ chịu.

Tôi nghĩ có lẽ thiên nhiên hữu tình đã làm nơi che chở cho nhân dân, bộ đội và thanh niên xung phong để chiến đấu với kẻ thù suốt nhiều năm dài ác liệt, nhất là từ năm 1970 về sau. Có tài liệu nói rằng: Các hang ở Moso ngày xưa có rất nhiều cá sấu, chúng ẩn náu trong các khe đá còn non, ngụ cư và sinh sản. Chúng ăn cỏ, củ sen, củ năng sống bình yên cho đến hàng chục, hàng trăm năm và chết luôn ở đó. Khi con người phát hiện ra chúng, họ đem gà, vịt quăng xuống cho chúng ăn. Cá sấu ở đây có con nặng từ 100-300kg, mùa nước nổi chúng lội ra ngoài, mùa cạn chúng rút sâu vào trong hang.

Moso xưa cũng có rất nhiều muông thú, trong đó có loài hạc đỏ (sếu đầu đỏ) người dân ở đây không bao giờ bắt hay giết hạc, họ cho đó là chim thần đến bảo vệ nhân dân… Thế nhưng, khi con người đến đây khai phá, họ đốn gỗ, lấy đá xây chùa chiềng, nhà ở, muông thú lần lượt ra đi.

Có thể nói rằng, Moso rất đẹp và huyền bí, thế nhưng, trong mắt tôi Moso càng đẹp hơn vì nơi đây thời chống Mỹ từng là hậu cứ, từng là trận địa hãi hùng của ta và địch. Cũng như Trường Sơn, Cô Tô, Núi Dài,… Moso một thời chìm ngập trong máu lửa, chất độc hóa học và sự đói khát triền miên. Từ đầu năm 1970, Mỹ - ngụy đã coi Moso là trọng điểm đánh phá. Ngoài khơi hạm đội giặc ngày đêm nã pháo, hết đợt này đến đợt khác. Máy bay B52 thả bom suốt ngày đêm, rúng động cả đất trời. Chất độc hóa học, xăng nước, xăng khô chúng quăng không tiếc, mong đốt núi trong chiến dịch mà chúng gọi là “hỏa diệm sơn”. Trong tình trạng bị cô lập đường tiếp tế, nguồn nước bị ô nhiễm nặng vì chất độc hóa học, chỉ còn duy nhất một con suối nhỏ trên đỉnh núi, ta và địch phải giành giật nhau từng giọt nước…

Vậy mà bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân địa phương vẫn không hề nao núng, tay súng vững vàng. Từng bịt ni-lông nước uống, từng bao cơm sấy ta thu của địch, những hạt gạo chắt chiu để nấu cháo cho thương binh do thanh niên xung phong đảm trách. Vượt lên cái chết, cái đói,… với quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Moso vẫn hiên ngang sừng sững, người Moso vẫn sống để chứng minh cho cuộc đấu tranh chánh nghĩa, ý chí sắt đá của con người quyết bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Tôi đứng một lúc lâu để nén dòng cảm xúc dâng trào, không ngờ một nơi yên bình u tịch như Moso lại chịu đựng một thời máu lửa. Quân thù đã đến đây giày xéo chốn linh thiêng và Moso đã dang tay bảo vệ cho những người con yêu Tổ quốc. Tôi phát hiện một thung lũng nhỏ trong hang, phía trên có nóc tròn như một lâu đài cổ, vách núi che chắn như một hành lang rộng, linh tính mách bảo tôi. Đây là nơi đóng quân của trạm quân y của Đoàn 195. Nơi đây thời kỳ ác liệt đã cứu sống biết bao nhiêu bộ đội, thanh niên xung phong và cả nhân dân. Tôi mường tượng ra bóng dáng bác sĩ Trần Minh Hữu (Chín Tần) đang tận tụy chăm sóc thương binh. Anh Chín là người anh thân thiết của thanh niên xung phong, giờ anh đã qua đời trong một cơn bạo bệnh. Nơi thế giới bên kia chắc anh đã tìm được những đồng chí, đồng đội của mình.

Cách đây không xa, tôi có cảm giác là nơi đóng quân của Trung đoàn 10 và tôi như thấy lại hình bóng các anh, hàng đêm vác súng lên đỉnh núi pháo kích đoàn xe tăng, xe bọc thép của địch đậu quanh chân núi và thị trấn Kiên Lương.

Nhà thơ Nguyễn Bá có bài thơ về Moso, kể về những chiến sĩ của Huyện đội Hà Tiên, bị đá rơi chắn miệng hang, không cách gì cứu được, các anh đành trao súng qua khe đá để đồng đội tiếp tục chiến đấu, còn các anh thì chịu chết trong hang. Nghĩ đến đây, tôi lại thấy bùi ngùi, lại rơi nước mắt.

Các anh chị thanh niên xung phong đã kể lại rằng, có đêm, anh chị em lấy dầu lửa từ các phuy chúng quăng xuống đốt hang nhưng không cháy, dùng băng vải làm tim đốt đèn sáng rực cả Moso. Rồi các chị, các anh mở loa Thanh Hùng, Ngọc Hoa hát để bọn địch nghe. Thấy khí thế lạc quan của quân ta, bọn địch hoang mang, tan rã… vì cho rằng chính quyền Sài Gòn nói láo. Càng đánh, Việt Cộng càng mạnh hơn chớ thắng gì!

Rời Moso trong niềm tiếc nuối. Moso bây giờ vẫn còn hoang sơ quá! Không được xây dựng gì ngoài mấy hàng quán đơn sơ. Tôi nghĩ lẽ ra nơi đây phải có một tượng đài để ghi dấu lại Moso một thời anh dũng. Đây sẽ là nơi du lịch truyền thống nếu được đầu tư đúng nghĩa.
Theo baohaugiang.com.vn

Có thể bạn quan tâm