Triển lãm “Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản Tư liệu thế giới”

Triển lãm “Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản Tư liệu thế giới”
Lễ cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN
 Lễ cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Triển lãm giới thiệu đến công chúng, du khách trong và ngoài nước hơn 50 tài liệu phản ánh về nền khoa cử của Việt Nam xưa, được chắt lọc từ 3 di sản tư liệu thế giới của Việt Nam là Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Bia tiến sỹ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi từng đào tạo ra nhiều bậc hiền tài của đất nước, là nơi tôn vinh truyền thống hiếu học, trọng nhân tài, tôn vinh danh nhân văn hóa hiện nay.
Du khách thăm quan triển lãm. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN
 Du khách thăm quan triển lãm. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Triển lãm chuyên đề “Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản Tư liệu thế giới” không chỉ phần nào tái hiện lại bức tranh sinh động của nền giáo dục và khoa cử Việt Nam thời quân chủ như: Quan điểm của nhà nước về giáo dục, khoa cử; chế độ thi cử; danh nhân khoa bảng, ân điển của quốc gia đối với người đỗ đạt… được lưu giữ trong các Di sản Tư liệu thế giới mà qua đó quảng bá, tôn vinh giá trị các di sản tư liệu của Việt Nam đã được thế giới công nhận.

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, triển lãm gồm 3 phần: Lịch sử giáo dục và khoa cử Việt Nam qua các triều đại; Quốc Tử Giám – Trung tâm giáo dục cao cấp thời quân chủ; Bia đề danh tiến sỹ và các nhà khoa bảng tiêu biểu, thể hiện qua 7 phiên bản Mộc bản triều Nguyễn và 40 giá trưng bày nội dung 56 tài liệu của 3 di sản tư liệu thế giới của Việt Nam hiện nay là Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Bia tiến sỹ Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Triển lãm giới thiệu một cách hệ thống về lịch sử khoa cử Việt Nam với quy chế, thể lệ cũng như các nhà khoa bảng, danh nhân và trạng nguyên tiêu biểu trong lịch sử. Đây là nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu, công chúng trong và ngoài nước yêu thích văn hóa lịch sử tìm hiểu sâu hơn về nền giáo dục, nền văn hóa Việt Nam. Qua đây, các nhà quản lý trong việc hoạch định các chính sách cũng có thể tham khảo để xây dựng một xã hội học tập; đồng thời là nguồn tư liệu sinh động cho các thế hệ học trò về những tấm gương hiếu học của các bậc hiền tài, đức cao đạo trọng, từ đó hun đúc truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.
Chu Thanh Vân 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm