Trang phục của người Si La

Trang phục của người Si La
Người Si La, dân tộc có nguồn gốc từ vùng Trung Á, dù không còn biết dệt vải, nhưng vẫn giữ được bộ trang phục truyền thống của mình. Thậm chí, trang phục của phụ nữ Si La còn được phân chia theo độ tuổi, tình trạng hôn nhân, con cái.
Váy của phụ nữ Si La là loại váy khâu may khép kín, màu đen, dài từ eo đến mắt cá chân. Mỗi chiếc váy có 2 phần rõ rệt, là cạp và thân váy. Cạp váy là một dải vải khác màu, rộng cỡ 20 cm. Viền gấu váy thêu chỉ đỏ rất nổi bật.
 
Áo của phụ nữ Si La cũng được may từ vải chàm đen, thân áo ngắn, ôm sát cơ thể. Cổ, tay và gấu áo được trang trí bằng những đường viền hoặc những khoanh vải khác màu sặc sỡ.

Trang phục truyền thống của người Si-la. Ảnh: baomoi.com
Trang phục truyền thống của người Si-la. Ảnh: baomoi.com

Đặc biệt nhất là phần yếm trước ngực, gắn cố định vào áo bằng khuy bạc. Đó là một miếng vải hình thang cân, trang trí những đường viền bằng chỉ đỏ và đính những đồng xu bạc trải đều trên toàn bộ miếng vải. Trước đây, có những chiếc yếm của con gái Si La gắn tới 60 - 80 đồng bạc, giá trị rất lớn.
 
Ngoài đồng bạc, ông Bùi Quốc Khánh, Sở VH-TT&DL Lai Châu, cho biết xa xưa, người Si La còn dùng vỏ ốc để trang trí yếm, rất độc đáo:
 
"Vỏ ốc ấy, trước đây là tiền tệ để lưu thông hàng hóa theo hình thức vật đổi vật, vì vỏ ốc ngày xưa trên này rất hiếm và người ta xem đó là quý. Để kiếm được các vỏ ốc hóa thạch trên vách đá, một là phải may mắn mới kiếm được, hai là phải mất rất nhiều công đi tìm. Chính vì thế nên nó quý. Một cái vỏ ốc có thể đổi được vật mất nhiều công để làm ra nhưng con người có thể làm ra được, ví dụ một đôi gà. Nhưng sau khi hoạt động giao thương mở rộng ra khỏi cộng đồng thì người ta dùng bạc trắng. Vỏ ốc kém giá trị trao đổi đi nhưng vẫn người dân họ vẫn xem là quý nên họ dùng làm trang sức cho bản thân".
 
Nếu như đàn ông Si La hiện nay đã chuyển sang mặc âu phục hoàn toàn như người Kinh, thì phụ nữ Si La hiện vẫn duy trì mặc trang phục truyền thống, nhất là trong các ngày lễ lớn của gia đình và bản làng.
 
Người Si La là một trong số những dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến, có nguồn gốc từ vùng Trung Á. Người Si La có mặt ở Việt Nam cách đây chừng 120 năm. Theo nhiều công trình nghiên cứu, từ trước khi đặt chân đến Việt Nam, người Si La đã không còn duy trì được nghề dệt vải. Họ phải mua vải của người Thái hoặc vải công nghiệp để sử dụng.

Theo VOV4

Dân tộc Si La Dân tộc Si La

Tên tự gọi: Cù Dề Sừ.

Tên gọi khác: Kha Pẻ.

Dân số: 709 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, gần với Miến hơn.

Lịch sử: Người Si La có nguồn gốc di cư từ Lào sang.

Hoạt động sản xuất: Trước kia chuyên làm nương du canh, nay sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, ngô trên ruộng nương. Hái lượm giữ vị trí quan trọng trong đời sống.

Ăn: Người Si La quen dùng cả cơm nếp và cơm tẻ với các loại canh rau rừng là chính. Ðạm thực vật chủ yếu là sản phẩm của săn bắt, đánh cá.

Mặc: Phụ nữ mặc váy, hở bụng, áo cài khuy bên nách phải, nổi bật là vạt ngực gắn đầy những đồng xu bạc, xu nhôm; cổ và tay áo được trang trí bằng cách gắn lên những đường vải màu khác nhau. Váy màu đen hay chàm, khi mặc giắt ra phía sau. Khăn đội đầu phân biệt theo lứa tuổi và tình trạng hôn nhân. Phụ nữ thường đeo túi đan bằng dây gai.

Tục nhuộm răng phổ biến, nam giới nhuộm đỏ, nữ nhuộm đen.

: Người Si La quần tụ trong vài ba bản ở huyện Mường Tè, Lai Châu. Ở nhà đất, hai gian và hai chái nhỏ, có hiên và một cửa ra vào. Bàn thờ ở góc trái trong cùng, trên có một chén rượu nhỏ và một quả bầu. Bếp chính ở giữa nhà, kê ba ông đầu rau bằng đá, ông đầu rau quan trọng nhất, nơi mà tổ tiên thường ở, trông coi bếp lửa, quay lưng hướng về bàn thờ.

Phương tiện vận chuyển: Người Si La phổ biến dùng gùi. Ngoài ra họ còn biết dùng thuyền, mảng đi lại trên sông.

Quan hệ xã hội: Làng bản Si La xưa kia chịu sự cai quản của hệ thống chức dịch người Thái, chưa có sự phân hoá giai cấp. Tính cộng đồng trong công xã cao.

Quan hệ dòng họ khá chặt chẽ. Có nhiều tên họ khác nhau nhưng họ Hù và họ Pờ đông hơn cả. Do quan niệm cùng tên họ là cùng chung tổ tiên xa xưa do điều kiện cư trú xa cách, người ở chi họ này dễ dàng xin nhập sang chi họ khác, cùng thờ tổ tiên với nhau. Mỗi chi họ đều có người già nhất, không phân biệt dòng trưởng hay thứ, đứng đầu. Hàng năm vào hai kì, tết năm mới và cơm mới, có lễ cúng tổ tiên chung ở nhà người trưởng họ với các lễ vật rất đặc trưng như thịt sóc, cua, cá bống, ống rượu cần tượng trưng, vài bông lúa, khoai sọ, bó lá hạt cườm. Trên mâm cúng không dùng hương mà đốt nến bằng sáp ong. Những đồ thờ gia bảo của dòng họ bày ở bàn thờ là trống, nhạc ngựa, quả bầu, chén đựng rượu. Khi người trưởng họ mất, chỉ sau 3 năm người lên thay mới được quyền chuyển những đồ thờ này sang bàn thờ nhà mình. Người trưởng họ có vai trò lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các thành viên trong họ, cưới xin, ma chay, cho người ra khỏi họ hoặc kết nạp thành viên mới vào họ. Những người cùng họ không được lấy nhau.

Cưới xin: Trai gái yêu nhau được quan hệ với nhau, người con trai được ngủ qua đêm tại nhà người yêu của mình. Có tục cưới hai lần. Lần đầu đón cô dâu về nhà chồng. Lần thứ hai sau một năm, nhà trai trao tiền cưới cho nhà gái.

Sinh đẻ: Phụ nữ sinh con ở trong nhà, đẻ ngồi. Nhau đẻ đựng trong ống nứa, phủ một lớp tro bếp lên trên dựng ở góc bếp cho đến ngày đặt tên cho đến ngày đặt tên cho đứa trẻ. Họ thường mời bà già trong bản tới đặt tên cho con để mong con sống lâu. Sau khi đặt tên, bà già này bịt ống đựng nhau bằng lá chuối, nếu con trai buộc chín lạt, con gái buộc bảy lạt, rồi đem treo hoặc chôn. Lễ cúng hồn cho trẻ sơ sinh được tiến hành 3 ngày sau khi đặt tên.

Ma chay: Nghĩa địa thường để dưới bản, mộ của những người cùng họ thường ở gần nhau. Kiêng đặt mộ xa giữa những người khác họ. Chọn được đất ưng ý để đặt mộ thì cuốc một nhát, đặt cục than vào nhát cuốc đó, coi như đất đã có chủ. Sáng hôm sau mới làm nhà táng và đào huyệt. Quan tài bằng khúc gỗ bổ đôi khoét rỗng. Cúng đưa hồn người chết về quê hương cũ ở Mồ U. Sau khi chôn, gia đình tang chủ dội nước tắt bếp, mang hết than củi cũ ra ngoài nhà rồi mới đốt bếp. Không có tục cải táng và tảo mộ. Ðể tang bằng cách: con trai buộc túm ít tóc trên đỉnh đầu, con gái tháo vòng tay, vòng cổ.

Thờ cúng: Con cái thờ bố mẹ đã mất. Mỗi bàn thờ phải có chén thờ lấy từ chén cúng cơm bố mẹ trong ngày làm ma. Nhà có bao nhiêu con trai thì có bấy nhiêu chén và tất cả để lên bàn thờ. Ðến khi chia nhà thì mang chén đó ra lập bàn thờ riêng. Thờ tổ tiên từ đời ông trở lên do người trưởng họ đảm nhận. Lễ cúng bàn là lễ cúng quan trọng nhất cầu mong cả bản không ốm đau, bệnh tật, lợn gà không bị thú rừng bắt trong năm. Cứ 7 năm lại làm lễ cúng hồn lúa, dùng vợt bắt cá, gạo đưa đường để đưa hồn lúa từ nương về bản, tới nhà rồi cất kỹ trên bồ thóc.

vna_potal_lai_chau_doc_dao_tet_co_truyen_cua_dan_toc_si_la_o_can_ho_6550762.jpg
Thầy mo làm lễ cúng tổ tiên và thần linh. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Học: Trước kia, họ không có chữ viết riêng, kinh nghiệm trao truyền bằng lời hoặc qua thực hành.

Văn nghệ: Người Si La hát giao duyên giữa nam nữ thanh niên, hát sử ca.

Tết lễ: Ngày tết năm mới vào đầu tháng 12 âm lịch. Ngoài ra họ còn ăn tết cơm mới.

Chơi: Các em nhỏ Si La thường chơi các đồ chơi tự chế từ tre gỗ hay đất sét. Ðồng thời, chúng cũng có các trò chơi tập thể rất vui nhộn.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm