Trái tim ngôi nhà người Khơ Mú

Trái tim ngôi nhà người Khơ Mú

Mỗi gia đình người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) không chỉ có 1 hoặc 2 bếp, mà có tới...3 bếp, với các chức năng khác nhau. 

Nhìn vào bếp lửa, người ta có thể đánh giá được sự giàu nghèo, sự ngăn nắp, gọn gàng của chủ nhà. Nếu như bà con các dân tộc Thái, Tày, Mường, Mông chỉ có một hoặc hai bếp lửa trong nhà thì đồng bào Khơ Mú ở đây lại có tới 3 bếp lửa được đặt tại các vị trí khác nhau, với những quy định rất rõ ràng. Bởi ngay từ khi làm được ngôi nhà mới, người Khơ Mú đã quan niệm “Con ma không sống chung nhau được thì con người cũng phải làm ba bếp, không thể chung nhau tất cả vào một bếp được”. 

  c07fae6c70dd82c975be754a85fc38c8.jpg

Với người Khơ Mú, bếp lửa được coi là trái tim của ngôi nhà. Ảnh:tinmoi.com

Theo ông Vì Văn Sang, ở Nghĩa Sơn, người Khơ Mú làm ba bếp lửa, một bếp cúng ma nhà, một bếp để tiếp khách và một bếp để đồ xôi:

- Chúng tôi thường nói là 4 góc nhà 3 góc bếp. Khi làm bếp ma nhà thì gia chủ phải chuẩn bị 2 hũ rượu cần, một con lợn, gạo, sừng trâu để đong rượu, gáo múc rượu bằng quả bầu khô, đây là thể hiện sự giàu có của gia đình bề thế. Còn với bếp chính thì bếp được đặt ngay gian đầu cầu thang. Bếp này dùng để nấu nướng và tiếp khách; khi lập bếp, gia đình không cần thờ cúng. Bếp này không chỉ đơn thuần là nơi để nấu nướng, để sưởi ấm, mà còn là không gian sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, là nơi đón tiếp khách đến chơi. Mọi người thường ngồi lại quây quần bên bếp lửa để sưởi ấm và trò chuyện, chia sẻ những buồn vui…Với bếp đồ xôi thì bếp này được người Khơ Mú đặt ở cuối mỗi ngôi nhà, cũng được thiết kế hình chữ nhật. Riêng bếp này liên quan đến tục rước mẹ lúa (Grơ mẹ ngọ) cho nên không dùng để đun nấu thức ăn, sưởi ấm mà chỉ dùng để xôi cơm của mỗi gia đình. 

Theo ông Vì Văn Sang, với người Khơ Mú thì lửa và bếp lửa là một trong những thành phần không thể thiếu của một ngôi nhà. Nếu thiếu một trong số những bếp lửa ấy thì cũng coi như vắng một thành viên, bởi lửa là sức mạnh. Tại sao người Khơ Mú tiếp khách bên bếp lửa? Ông Sang giải thích: luôn luôn trong nhà phải có lửa thì mới ấm cúng, mới thể hiện là nhà có người, nên nơi ấm áp đó, người Khơ Mú dành đón khách với tất cả sự trân trọng.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm