Tiếp tục nghiên cứu, khai quật khảo cổ bổ sung Khu di tích lăng miếu Triệu Tường-Thanh Hóa

Tiếp tục nghiên cứu, khai quật khảo cổ bổ sung Khu di tích lăng miếu Triệu Tường-Thanh Hóa
Theo đó, tổng diện tích khai quật điều chỉnh sẽ tăng từ 2.800m2 lên 4.000m2, trong đó diện tích khai quật bổ sung là 1.200m2 gồm các hạng mục khai quật Ủng thành phía Bắc, Ủng thành phía Đông, Ủng thành phía Tây. Chi phí nghiên cứu, khai quật khảo cổ, quản lý, tư vấn và các chi phí khác là 19,5 tỷ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân thuộc quy hoạch; cải dịch đoạn tuyến Quốc lộ 217B qua khu di tích là 23,1 tỷ đồng. Song song với đó, trong 2 năm (2018-2019) tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục nghiên cứu, khai quật các hạng mục khác như: Khai quật Ủng thành phía Nam, cổng Tam quan, nhà Công Quán, nhà Đông Đường, Tây Đường và cổng phía Bắc, cổng phía Đông và Tây, miếu, ao vuông, hồ sen, giếng nước…

Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nghe đơn vị tư vấn trình bày về việc tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án, trong đó, thay đổi phạm vi, quy mô, diện tích của một số hạng mục chính như: khu Miếu Triệu Tường, Đình Gia Miêu, khu Đền Ông, Nhà thờ họ Nguyễn Hữu... Quy hoạch tổng thể sau điều chỉnh còn tổng diện tích khoảng 27,85 ha (giảm 13,65 ha so với quy hoạch năm 2010). 

Hiện tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch theo đúng quy định của Luật Di sản. Đặc biệt sẽ tập trung quy hoạch khu thành cổ để phục hồi di tích theo nguyên bản nhằm đảm bảo tính chân thực của di tích trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị. Hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại và các di tích phụ cận sẽ được tính toán chi tiết để đảm bảo sự thuận tiện cho nhân dân và du khách đến thăm viếng, tham quan khu di tích. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 phải cơ bản hoàn thành dự án, nhất là khu vực nội lăng, phục dựng lại khu di tích lịch sử, văn hoá này trở lại như xưa và trở thành điểm hành hương, viếng thăm hấp dẫn của nhân dân, của du khách trong và ngoài nước.

Di tích lăng miếu Triệu Tường được vua Gia Long cho xây dựng năm 1803, tại thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, là nơi phát tích của 9 chúa, 13 vua triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc tưởng niệm - miếu thờ của vương triều Nguyễn, được xây dựng với quy mô lớn, có giá trị đặc biệt về kiến trúc và nghệ thuật trang trí điêu khắc. Nhiều nhà sử học coi khu di tích này là kinh thành Huế thu nhỏ. Di tích lăng miếu Triệu Tường gồm nhiều kiến trúc bố trí trong một khu vực có chu vi 182 trượng (tương đương 50.000 m2), bao quanh có hồ nước và cầu gạch bắc qua. Vòng ngoài có hai lớp lũy bao bọc, được ví như một tòa thành. Không gian bên trong được chia làm 3 khu vực: Khu vực chính ở giữa xây Nguyên miếu thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng. Khu vực phía đông dựng miếu thờ Trừng quốc công, khu vực phía tây dành làm nơi trú ngụ của các quan và gia đình hộ lăng và trại lính canh lăng…

Trải qua những biến động của lịch sử, lăng miếu Triệu Tường đã bị san phẳng, nay chỉ còn dấu tích nền móng. Qua các cuộc khai quật thám sát khảo cổ đã cho cái nhìn tổng thể về quy mô, loại hình, kiểu kiến trúc cũng như diện tích xây dựng của khu di tích. Điều đó giúp công tác tôn tạo, phục dựng lại di tích có đầy đủ cơ sở khoa học trả lại cho di tích có được hình hài vốn có của nó.

Hoa Mai 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm