Thừa Thiên - Huế: Nghệ nhân hết lòng với nghề làm tre mỹ nghệ

Thừa Thiên - Huế: Nghệ nhân hết lòng với nghề làm tre mỹ nghệ

Lồng chim do ông Đoàn Minh Căn sản xuất. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN
Lồng chim do ông Đoàn Minh Căn sản xuất. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Chúng tôi gặp ông Căn, lúc ông vừa trở về sau khi được mời tham dự Hội nghị “Kết nối cộng đồng doanh nghiệp ASEAN” tại Malaysia. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, ông Căn bén duyên với nghề điêu khắc gỗ từ năm 15 tuổi, nhưng sự nghiệp của ông thực sự thăng hoa khi ông mạnh dạn lựa chọn nguyên liệu tre để thử nghiệm, sản xuất hàng mỹ nghệ. Sản phẩm của ông Căn hiện được ưa chuộng tại nhiều tỉnh, thành trong nước và còn được xuất khẩu với số lượng lớn sang thị trường các nước: Thái Lan, Malaysia, Hồng Kông, Mỹ...

Ban đầu ông Căn làm những mặt hàng lưu niệm, quà tặng bằng tre như hộp, bình đựng trà, đồ trang trí, vật dụng để trên bàn làm việc và một số loại tranh chạm khắc nhỏ để bán cho khách du lịch. Dần dần ông phát triển thêm nhiều sản phẩm tinh xảo hơn. Nhằm làm ra được những sản phẩm tinh xảo đến từng chi tiết, ông cũng trải qua không ít lần thất bại và phải tự nghiên cứu, sáng tạo ra những công cụ, vật dụng như khoan, cưa, dùi, đục... thích hợp để dùng điêu khắc trên tre; đồng thời đầu tư nhiều loại máy móc hiện đại đáp ứng nhu cầu sản xuất. Theo ông Căn, tre là một loại nguyên liệu giòn, cứng và dễ vỡ nên phải chọn tre thật già, tốt nhất là tre rừng. Khi chạm, khắc trên tre phải di chuyển theo chiều dọc, nếu bị lệch hoặc lực mạnh sẽ khiến tre bị vỡ. Đối với những phần cần tạo độ cong phải dùng lửa để uốn với nhiệt độ vừa phải, nếu nhiệt độ quá cao hoặc thấp, tre sẽ bị cháy hoặc không đủ nóng để uốn cong.

Hiện nay, sản phẩm đặc trưng của cơ sở tre mỹ nghệ của ông Căn là lồng chim cảnh, với đủ các loại lồng chim từ đơn giản đến các mặt hàng cao cấp như lồng vuông, lồng tròn, lồng lục giác... Để làm được một chiếc lồng chim cảnh cũng mất rất nhiều công đoạn từ chọn tre, vót nan, lên khung, chạm, khắc trang trí các hoa văn; làm cầu, cóng, bộ tra móc và lắp ghép các công đoạn để hoàn thiện sản phẩm. Có nhiều sản phẩm của ông phải mất 2 - 3 tháng mới hoàn thành. Giá mỗi lồng chim dao động từ 5 triệu đến 100 triệu đồng. Mỗi năm, cơ sở của ông xuất bán ra thị trường vài trăm sản phẩm, trong đó khoảng hơn 100 lồng chim. Sở dĩ sản phẩm của ông được ưa chuộng như vậy bởi ngoài chế tác từng chi tiết nhỏ, mỗi hoa văn, họa tiết trên sản phẩm đều là những tuồng, tích về cuộc sống, lịch sử; những câu chuyện, thông điệp văn hóa cũng như những hình ảnh đặc trưng của xứ Huế, được ông gửi gắm, chạm trổ tinh xảo, sống động. Vì vậy, ông được mệnh danh là "Đệ nhất lồng tre xứ Huế".

Sản phẩm tre mỹ nghệ của ông Căn đã đạt được các giải thưởng lớn ở trong và ngoài nước, như sản phẩm lồng chim cảnh, hộp để bàn, đĩa để bàn... đạt giải nhất toàn quốc tại Triển lãm chuyên đề thiết kế mẫu và sản phẩm mây, tre. Trên những sản phẩm này, ông Căn đã chạm khắc một cách sống động phong cảnh hữu tình, đặc trưng của xứ Huế như: sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền, lăng tẩm, đền đài, đình chùa... Ngoài ra, ông Căn còn nhiều tác phẩm tiêu biểu khác như: "Đĩa để bàn" đạt giải "Dấu son tuyệt hảo" tại Hội thi UNESCO – SEAL của 29 nước Châu Á; giải nhất Hội thi sản phẩm "Thủ công Việt Nam lần thứ VI" với sản phẩm lồng chim "Thập nhị hoa giáp quần tiên", Lồng vuông trúc “Bát tiên quần thú” đạt giải sản phẩm tiêu biểu tại Vòng chung khảo "Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ VII; "Hủ trà và Song bình" đạt giải ba toàn quốc tại Hội thi "Sản phẩm thủ công lần thứ tư năm 2007"...

Không chỉ đẩy mạnh việc sản xuất tại cơ sở, ông Đoàn Minh Căn còn quan tâm đến việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, ông đã đào tạo nghề miễn phí cho 135 học viên. Sau khi được đào tạo nghề, nếu học viên có nhu cầu ở lại cơ sở làm việc, ông bố trí công việc với thu nhập ổn định. Hiện cơ sở của ông tạo việc làm cho 30 thành viên, với mức lương từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Xuân Lân, 23 tuổi, trú tại làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, cho biết: “Hoàn cảnh gia đình khá khó khăn nên tôi nghỉ học sớm, lúc đó thầy Căn thu nhận và dạy nghề miễn phí. Sau khi ra nghề, chưa biết đi làm ở đâu thì thầy nhận tôi vào làm. Đến nay, đã có 5 năm trong nghề, tôi đã khẳng định được tay nghề và có thu nhập ổn định để lo cho cuộc sống của mình và phụ giúp gia đình”. Ông Căn chia sẻ: “Hiện nay, cơ sở có rất nhiều đơn đặt hàng và chưa bao giờ hết việc, bởi nghề này cũng kén người làm. Chúng tôi rất cố gắng gìn giữ, phát triển và lưu truyền cho thế hệ tương lai để tránh nghề này bị mai một”.

Ông Căn vinh dự vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế vinh danh, là một trong những nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu của tỉnh, lần thứ nhất năm 2017. Ông Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận xét, bằng đôi tay và niềm đam mê của mình, ông Căn đã có những sáng kiến rất độc đáo và tinh xảo. Những sản phẩm của ông không chỉ được biết đến ở trong nước, mà đã vượt qua biên giới và được đánh giá rất cao. Thời gian đến, Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật tỉnh sẽ nghiên cứu, hỗ trợ ông Căn và những nhà sáng chế không chuyên khác, để sản phẩm của họ tiếp tục vươn ra các thị trường của nhiều nước trên thế giới.
 
Tường Vi

Có thể bạn quan tâm